Vụ Iran bắn tên lửa: Các binh sỹ nước ngoài đồn trú ở Iraq đều an toàn

Mỹ, New Zealand, Australia và Đức thông báo binh sỹ của các nước này đồn trú tại Iraq đều an toàn sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ quân sự Ain Al-Asad và Erbil ở Iraq.
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Binh sỹ Mỹ làm nhiệm vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad, Iraq ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết các báo cáo đánh giá thương vong và thiệt hại ban đầu sau khi Iran bắn tên lửa vào 2 căn cứ có binh sỹ Mỹ và liên quân đồn trú ở Iraq tối 7/1 cho thấy “tất cả đều ổn.”

Đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 8/1, ông Trump cho biết “các đánh giá về thương vong và thiệt hại đang được tiến hành. Cho đến nay mọi thứ đều ổn.”

Ông cho biết thêm sẽ đưa ra tuyên bố chính thức sáng 9/1.

Tổng thống Mỹ chưa có bài phát biểu trên truyền hình như thông lệ của các tổng thống Mỹ vào những thời điểm khủng hoảng chính sách ngoại giao.

Cùng ngày 8/1, Chính phủ New Zealand, Australia và Đức thông báo binh sỹ của các nước này đồn trú tại Iraq đều an toàn sau khi tên lửa Iran bắn vào 2 căn cứ Ain Al-Asad và Erbil ở Iraq.

[Iran tuyên bố vụ tấn công tên lửa vào căn cứ Mỹ là 'bước đầu tiên']

Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump chấm dứt “hành động khiêu khích không cần thiết.”

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, bà Pelosi khẳng định: “Chúng ta phải đảm bảo an toàn cho các quân nhân của chúng ta, bao gồm chấm dứt các hành động khiêu khích không cần thiết từ chính quyền và yêu cầu Iran chấm dứt bạo lực.”

Trước đó, bà Pelosi đã có cuộc trao đổi với các thành viên của Ủy ban Chính sách và điều hành của đảng Dân chủ cũng như Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence về cuộc tấn công của Iran vào các căn cứ quân sự có binh sỹ Mỹ đồn trú tại Iraq.

Về phần mình, các nhà lập pháp đảng Dân chủ cho biết họ không bất ngờ về vụ tấn công của Iran và cho rằng đó là "phản ứng không thể tránh khỏi" của Tehran đối với quyết định của Tổng thống Trump sát hại Tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Đảng Dân chủ cho rằng việc sát hại Tướng Soleimani làm leo thang sự thù địch với Tehran mà không có chiến lược kiểm soát hậu quả.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, khẳng định vụ tấn công bằng tên lửa của Iran là động thái "có thể dự đoán" do chính sách ngoại giao mà ông cho là “gần như lố bịch”của Tổng thống Trump.

Ứng cử viên Elizabeth Warren nhấn mạnh người Mỹ không muốn chiến tranh với Iran và khẳng định cần giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có cuộc điện đàm và tham vấn người đứng đầu chính quyền khu vực người Kurd ở Iraq, ông Masrour Barzani về các vụ tấn công tên lửa của Iran nhằm vào 2 căn cứ quân sự ở Iraq.

Hai bên đã nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ trong bối cảnh tình hình khu vực leo thang.

Về phía Iran, Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif khẳng định "Iran không tìm cách leo thang căng thẳng hay chiến tranh, nhưng sẽ tự vệ trước bất kỳ hành động gây hấn nào.”

Trên tài khoản Twitter, ông Zarif nêu rõ "Iran đã thực hiện các biện pháp tự vệ thích hợp trong khuôn khổ Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc, trên cơ sở đã xảy ra vụ tấn công vũ trang hèn hạ nhằm vào công dân và quan chức cấp cao của chúng tôi.”

Trước đó, Lầu Năm góc thông báo Iran đã phóng hàng chục tên lửa đạn đạo vào 2 căn cứ Ain Al-Asad và Erbil, nơi đồn trú của lính Mỹ và liên quân.

IRGC tuyên bố tiến hành vụ tấn công nhằm đáp trả việc Mỹ không kích sân bay quốc tế Baghdad sát hại Tướng Soleimani và một chỉ huy cấp cao của Iraq hôm 3/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.