Vụ Nagorny-Karabakh: Nga-Mỹ bày tỏ lo ngại tình hình trên thực địa

Ngày 27/10, Azerbaijan cáo buộc Armenia thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào một ngôi làng ở vùng Barda của nước này, gần giới tuyến với khu vực Nagorny-Karabakh, làm 4 thường dân thiệt mạng.
Vụ Nagorny-Karabakh: Nga-Mỹ bày tỏ lo ngại tình hình trên thực địa ảnh 1Binh sỹ Armenia nã pháo về phía lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 25/10/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/10, giới lãnh đạo Nga và Mỹ bày tỏ lo ngại trước tình hình giao tranh tiếp diễn tại khu vực Nagorny-Karabakh, đồng thời kêu gọi các bên liên quan giải quyết xung đột bằng biện pháp ngoại giao.

Điện Kremlin thông báo trong cuộc điện đàm cùng ngày với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng các tay súng đến từ Trung Đông tham gia vào cuộc xung đột Nagorny-Karabakh.

Trong khi đó, phát biểu với phóng viên tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố bạo lực tái diễn tại Nagorny-Karabakh sau khi lệnh ngừng bắn được Washington làm trung gian sụp đổ là điều "đáng thất vọng."

Tuy nhiên, ông bày tỏ lạc quan rằng hai bên sẽ giải quyết được vấn đề, dù không đưa ra đề xuất chi tiết.

[Nagorny-Karabakh: Các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn]

Trong một tuyên bố ra cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng nước này Mike Pompeo kêu gọi các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan chấm dứt thù địch và tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho tranh chấp Nagorny-Karabakh.

Tuyên bố nêu rõ: "Ngoại trưởng Pompeo hối thúc các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan tuân thủ các cam kết của mình để chấm dứt các hành vi thù địch và theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh," đồng thời "lưu ý rằng không có giải pháp quân sự nào cho cuộc xung đột này."

Ông Pompeo đưa ra lời kêu gọi này trong các cuộc điện đàm riêng rẽ của ông với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Cũng trong ngày 27/10, Azerbaijan cáo buộc Armenia thực hiện một cuộc tấn công tên lửa vào một ngôi làng ở vùng Barda của nước này, gần giới tuyến với khu vực Nagorny-Karabakh, làm 4 thường dân thiệt mạng. Tuy nhiên, Armenia khẳng định không thực hiện bất kỳ cuộc tấn công nào vào khu vực này.

Trước đó, Mỹ đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo mới giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh, có hiệu lực từ 8 giờ ngày 26/10 theo giờ địa phương  (11 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Tuy nhiên, các bên xung đột tại đây đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn này, tương tự như với hai thỏa thuận ngừng bắn vào các ngày 10/10 và 17/10 vừa qua.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.

Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên.

Theo các hãng tin AFP của Pháp và Reuters của Anh, hơn 1.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này, trong đó có cả dân thường của hai bên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.