Ngày 10/8, Bộ trưởng Tài chính Liban Ghazi Wazni đã quyết định từ chức sau vụ nổ ở thủ đô Beirut, cướp đi sinh mạng của ít nhất 158 người và khiến hàng nghìn người bị thương.
Đây là thành viên thứ 4 trong nội các Liban từ chức sau thảm kịch này và bộ trưởng thứ hai xin từ chức trong ngày này. Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Tư pháp Liban Marie Claude Najm đã nộp đơn từ chức.
Bộ trưởng Wazni là quan chức đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về kế hoạch giải cứu nhằm giúp Liban vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.
Việc ông từ chức khiến chính phủ của Thủ tướng Hassan Diab tiến gần hơn tới nguy cơ sụp đổ.
Ngày 9/8, Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel Samad, Bộ trưởng Môi trường và phát triển hành chính Liban Damianos Kattar đã có quyết định tương tự. Ngoài ra, một số nghị sỹ Liban cũng đã đệ đơn từ chức.
[Chính quyền Liban đứng trước sức ép nặng nề từ làn sóng biểu tình]
Trước đó, ngày 4/8, một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại nhà kho chứa 2.750 tấn amoni nitrat ở cảng Beirut, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
Các kết quả điều tra sơ bộ cho thấy tình trạng lơ là quản lý và vận hành kho chứa vật liệu có nguy cơ cháy nổ cao ở cảng Beirut trong nhiều năm qua là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ trên.
Số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 158, trong khi hơn 6.000 người bị thương và hiện còn 21 người mất tích. Vụ nổ còn khiến khoảng 300.000 người mất nhà cửa và thiệt hại ước tính khoảng 3 tỷ USD.
Theo giới quan sát, nội các Liban đang đứng trước sức ép vô cùng lớn trước làn sóng biểu tình của người dân sau khi xảy ra thảm kịch trên.
Ngày 8/8 vừa qua, hàng nghìn người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát ở Beirut sau khi tụ tập trên đường phố để nêu yêu sách về cải cách và đòi chính phủ phải từ chức.
Các cuộc đụng độ đã khiến hàng trăm người bị thương, trong đó có khoảng 100 nhân viên an ninh.
Vào ngày 9/8, nhiều người biểu tình thậm chí đã xông vào các tòa nhà của Bộ Các vấn đề người tị nạn và Bộ Lao động nước này ở trung tâm thủ đô Beirut./.