Vụ phá rừng tại Đắk Lắk: Hơn 40m3 gỗ các đối tượng chưa kịp chuyển đi

Một số lượng lóng, hộp gỗ đã khai thác chưa kịp vận chuyển còn bỏ lại tại mép bìa rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 1023, cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m.
Vụ phá rừng tại Đắk Lắk: Hơn 40m3 gỗ các đối tượng chưa kịp chuyển đi ảnh 1Hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: TTXVN phát)

Liên quan đến vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka, tại địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk mà Thông tấn xã Việt Nam đã phản ánh, các lực lượng chức năng đã mở rộng khám nghiệm hiện trường, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Công an huyện Krông Ana, sau khi báo chí đăng tải thông tin về vụ phá rừng đặc dụng Nam Ka xảy ra trên địa phận xã Bình Hòa, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), lực lượng Công an đã phối hợp với các cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra, xác minh vụ việc và kết luận những thông tin báo chí phản ánh là đúng với thực tế xảy ra.

Kết quả điều tra ban đầu, hiện trường các gốc cây gỗ bị khai thác trái phép thuộc trạng thái rừng gỗ tự nhiên, hiện trạng rừng thường xanh, giàu, chức năng rừng đặc dụng.

Một số lượng lóng, hộp gỗ đã khai thác chưa kịp vận chuyển còn bỏ lại tại mép bìa rừng đặc dụng thuộc tiểu khu 1023, cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m.

[Phú Yên kiểm tra thực tế và phát hiện vụ phá rừng Hòn Đác]

Tổng khối lượng lâm sản bị khai thác, chặt hạ (tính cả phần gốc, hộp gỗ) còn tại hiện trường là 41,267m3.

Trong đó, gỗ tròn có 13 lóng với khối lượng 34,963m3; gỗ xẻ có 22 tấm, hộp với tổng khối lượng 6,304m3 và 12 gốc đều còn mới, có đường kính từ 25cm đến 130 cm, chủng loại gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII thuộc các tiểu khu 1023,1024,1025 nằm trên địa giới hành chính xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk. Thời gian khai thác gỗ xảy ra vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 10/2019.

Công an huyện Krông Ana xác định đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, hiện đang được tiếp tục điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều đáng nói, việc khai thác gỗ, xẻ gỗ thành hộp, tấm, và việc vận chuyển, tập kết gỗ diễn ra rầm rộ với các phương tiện như cưa máy, máy tời, trâu, bò… ngay trong rừng đặc dụng mà chủ rừng là Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka không hề hay biết.

Thậm chí, các đối tượng còn ngang nhiên tập kết một số lượng lóng, hộp gỗ tại tiểu khu 1023 chỉ cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 8 của Ban Quản lý rừng đặc dụng Nam Ka khoảng 500m nhưng vẫn không bị lực lượng của đơn vị này phát hiện.

Sau khi báo chí có thông tin phản ánh về vụ việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk mới có văn bản khẩn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương xử lý vụ việc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục