Ngày 8/10, tin từ Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cho biết đơn vị đã có báo cáo số 138 BC-KL ngày 7/10 về vụ phá rừng tại tiểu khu 261B, thuộc địa bàn xã Nam Hà, huyện Lâm Hà mà TTXVN đã đưa tin.
Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà khẳng định trên địa bàn đã xảy ra các vụ phá rừng như báo chí nêu.
Qua kiểm tra các vị trí theo báo chí phản ánh, thực tế có xảy ra các vụ phá rừng để chiếm đất và san ủi đất lâm nghiệp. Cụ thể, trong năm 2018, Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà đã phối hợp cùng Kiểm lâm địa bàn, Ủy ban Nhân dân xã Nam Hà đã kịp thời phát hiện và lập biên bản, chuyển hồ sơ một vụ vi phạm tới Hạt kiểm lâm Lâm Hà xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, đơn vị chủ rừng chưa thực hiện việc tổ chức trồng lại rừng trên diện tích rừng bị phá năm 2018.
Chủ rừng và cơ quan chức năng đã không kịp thời phát hiện, báo cáo vụ phá rừng và san ủi đất lâm nghiệp xảy ra vào đầu tháng 10/2019.
Theo báo cáo của Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, diện tích rừng bị phá mới tại lô b3 khoảnh 1, tiểu khu 261B đầu tháng 10/2019 là trên 400m2.
Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết Hạt đang phối hợp với Công an huyện, Ủy ban Nhân dân xã Nam Hà điều tra làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc trên, Hạt kiểm Lâm huyện Lâm Hà phối hợp với Công an huyện đã mời các đối tượng lên đấu tranh, làm việc.
[Cơ quan chức năng vào cuộc vụ phá rừng thông 20 năm tuổi tại Lâm Đồng]
Quả đồi bị "cạo trọc" (người địa phương gọi là Núi lửa) rộng gần 5.000m2 tại tiểu khu 261B, là rừng thông ba lá, thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp, do Ban quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà làm chủ rừng, đã bị một người tên Nhường, trú thôn Hai Bà Trưng, xã Nam Hà, Lâm Hà, thuê Phạm Minh Hoàng (sinh năm 1996), trú cùng địa phương, dùng phương tiện cơ giới san ủi đất lâm nghiệp.
Đặc biệt, khi các cơ quan chức năng huyện Lâm Hà đang phối hợp điều tra vụ phá rừng này, cũng tại tiểu khu 261A (khoảnh 4), thuộc địa bàn xã Phi Tô (huyện Lâm Hà), cách hiện trường 500-600 mét, tối 7/10, các đối tượng phá rừng tiếp tục dùng cưa máy hạ hàng chục cây thông.
Cơ quan chức năng của huyện Lâm Hà đang đấu tranh, truy tìm đối tượng.
Trong khi vụ đầu độc rừng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, với diện tích hơn 10ha đang trong quá trình điều tra thì hàng loạt cây thông hơn 20 năm tuổi tại huyện này vẫn bị chặt hạ.
Theo Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng; đôn đốc các tổ, đội nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trên lâm phần do đơn vị quản lý.
Hạt kiểm lâm huyện Lâm Hà phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Nam Hà (huyện Lâm Hà) xác lập hồ sơ đối với các diện tích đất lâm nghiệp bị san ủi, lấn chiếm trái phép để xử lý theo quy định; đồng thời tiến hành rà soát lại các vị trí lấn chiếm đất lâm nghiệp, lập kế hoạch giải tỏa, lập hồ sơ để trồng lại rừng theo quy định của pháp luật./.