Căng thẳng quan hệ Anh-Nga chưa có dấu hiệu thuyên giảm, sau khi London một lần nữa từ chối đề nghị của Moskva về việc tiến hành điều tra chung vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái bị nghi đầu độc tại Anh hồi đầu tháng trước.
Theo phóng viên TTXVN tại London, trong tuyên bố đưa ra ngày 4/4, phái đoàn Anh tham gia cuộc họp khẩn cấp cùng ngày của Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) tại La Haye (Hà Lan) về vụ việc trên cho rằng đề nghị của Nga về một cuộc điều tra chung Anh-Nga xung quanh vụ cựu điệp viên Skripal vừa qua là “ngoan cố."
Phía Anh cũng cho rằng việc Nga yêu cầu triệu tập cuộc họp chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận và gây cản trở cho cuộc điều tra của OPCW.
Trước đó, ngoài đề nghị điều tra chung, phía Nga còn yêu cầu Anh phải đưa ra được bằng chứng chứng minh cho những cáo buộc nhằm vào Nga.
Cuộc họp khẩn cấp ngày 4/4 của OPCW được triệu tập theo đề nghị của Nga với tư cách là một thành viên của tổ chức này.
[Căng thẳng quanh vụ điệp viên Skripal: Nga yêu cầu Anh xin lỗi]
Nga muốn làm rõ phía Anh đã cung cấp được những bằng chứng gì cho OPCW, những thanh sát viên quốc tế nào được tiếp cận hiện trường vụ tấn công tại thành phố Salisbury (Anh), những nhân chứng mà các thanh sát viên này đã tiếp xúc cũng như các mẫu vật đang được phân tích.
Dự kiến trong vòng một tuần nữa, các chuyên gia của OPCW mới đưa ra kết luận về mẫu chất độc nghi được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga tại Salisbury ngày 4/3 vừa qua. OPCW không có thẩm quyền đưa ra kết luận mang tính buộc tội nào.
Tuy nhiên, tổ chức này có thể yêu cầu các bên liên quan cho phép những thanh sát viên quốc tế tiếp cận các cơ sở quân sự để bảo đảm mọi nguồn dự trữ vũ khí hóa học đều đã bị tiêu hủy.
Bất chấp việc người đứng đầu Phòng Thí nghiệm Công nghệ và Khoa học Quốc phòng tại Porton Down thuộc Bộ Quốc phòng Anh, ông Gary Aitkenhead, ngày 3/4 thừa nhận các nhà khoa học Anh chưa thể khẳng định việc loại chất độc trong vụ tấn công tại Salisbury có nguồn gốc từ Nga, đến nay, Anh vẫn khẳng định Nga phải chịu trách nhiệm về vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Skripal, 66 tuổi, và con gái bị nghi đầu độc bằng một loại chất độc thần kinh được cho là có nguồn gốc từ Nga.
Lời khẳng định của ông Gary Aitkenhead dường như khá mâu thuẫn với những gì Ngoại trưởng Anh Boris Johnson đưa ra trước đó cùng ngày khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Deutsche Welle của Đức.
Khi được hỏi Chính phủ Anh đã làm thế nào để có thể kết luận một cách nhanh chóng về việc chất độc bị nghi sử dụng trong vụ tấn công có nguồn gốc từ Nga, Ngoại trưởng Anh lại nhấn mạnh đến vai trò của các thông tin do phòng thí nghiệm Porton Down cung cấp cho chính phủ nước này.
Trong một diễn biến liên quan, sau phiên họp khẩn cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố yêu cầu Nga cần hợp tác trong cuộc điều tra của OPCW về vụ việc trên.
Tuyên bố của EU yêu cầu Nga hồi đáp các câu hỏi của Chính phủ Anh, bắt đầu bằng việc hợp tác với Ban Thư ký OPCW và cung cấp mọi thông tin toàn diện và đầy đủ cho cơ quan giám sát vũ khí hóa học toàn cầu này.
Sau vụ việc, London cáo buộc Moskva có liên quan dù chưa đưa ra được bằng chứng xác thực, và kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Đến nay, hơn 150 nhà ngoại giao Nga đã bị trục xuất.
Chính phủ Nga đã bác bỏ mọi cáo buộc dính líu tới vụ việc ở Salisbury, đồng thời tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Ngoại giao Nga ngày 4/4 thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Hungary nhằm đáp trả quyết định tương tự của Budapest trước đó./.