Chỉ trong vòng ba ngày, hai ngân hàng lớn của nước này là Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) lần lượt sụp đổ và tuyên bố ngừng hoạt động.
Đặc biệt, việc một “đế chế” như SVB phá sản đang phủ bóng mây u ám lên thị trường tài chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Được thành lập vào năm 1983, SVB là ngân hàng thương mại lớn thứ 16 của Mỹ và suốt thời gian dài là điểm tựa tài chính vững chắc cho khoảng 50% tổng số công ty khoa học công nghệ và khởi nghiệp tại nước này.
Quy mô hoạt động của SVB vươn tới cả Canada, Trung Quốc, Đan Mạch, Đức, Ireland, Israel, Thụy Điển và Vương quốc Anh.
Nếu SVB là ngân hàng lớn đối với các công ty công nghệ và khởi nghiệp, thì SB nổi tiếng là một trong những ngân hàng uy tín nhất của Mỹ và thế giới hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử.
Do đó, việc hai ngân hàng hàng đầu này “rủ nhau phá sản” chỉ trong vỏn vẹn có vài ngày đang gây ra một cơn địa chấn thực sự đối với thị trường tài chính-ngân hàng Mỹ. Đây cũng là vụ đổ vỡ lớn nhất của ngành ngân hàng Mỹ kể từ giai đoạn suy thoái 2008-2009.
Sự sụp đổ của SVB và SB đột ngột như một cơn sóng thần, diễn ra chỉ trong 48 giờ “điên rồ” sau khi các hàng dài khách hàng tới rút tiền gửi làm gợi nhớ hình ảnh những ngày tháng đen tối của cuộc Đại suy thoái 1930-1932.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế đánh giá gốc rễ dẫn tới sự đổ vỡ hôm nay của SVB đã xuất hiện từ vài năm trước. SVB dường như đã “chơi tất tay” tài sản tiền gửi của khách hàng để đầu tư vào kênh trái phiếu Chính phủ Mỹ trong thời kỳ lãi suất gần như bằng 0.
Với chính sách này, cùng với sự bùng nổ về số lượng công ty công nghệ và khởi nghiệp trong khoảng 20 năm qua, SVB phát triển quá nóng và giá trị tài sản tăng nhanh chóng mặt.
Sóng gió bắt đầu mạnh lên kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Lãi suất tiền gửi tăng, giá trái phiếu giảm, đã khiến tài sản và giá trị trái phiếu của SVB bốc hơi nhanh chóng.
Theo Nhật báo Phố Wall, danh mục đầu tư chỉ còn mang lại lợi nhuận cho SVB khoảng 1,79% vào tuần trước, nghĩa là chưa bằng một nửa so với lợi nhuận trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, khoảng 3,9%.
Việc Fed tăng lãi suất cũng đã khiến hàng loạt công ty công nghệ rút tiền để giảm gánh nặng lãi suất, do đó càng khiến SVB gặp khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.
Vừa thiếu nguồn tiền, SVB lại buộc phải bán một lượng lớn trái phiếu với giá thấp hơn nhiều so với giá gốc để duy trì hoạt động. Bước đi này của SVB khiến khách hàng ồ ạt rút tiền và dẫn tới sự sụp đổ của một tượng đài 40 năm trong ngành ngân hàng Mỹ.
Vụ việc SVB đã làm xuất hiện tâm lý lo ngại về một cuộc đại khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ.
Ông Fariborz Moshirian, một chuyên gia kinh tế và là Giám đốc Viện Tài chính toàn cầu, cho rằng dù còn quá sớm để nhận định Mỹ sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng ngân hàng tồi tệ, song không thể loại trừ kịch bản này.
[Vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank: Vì đâu nên nỗi?]
Trên thực tế, hàng loạt ngân hàng Mỹ đã bị phá sản hoặc đang rất chật vật. Theo báo USA Today, First Republic Bank (FRC) và PacWest Bancorp (PACW) đã tạm dừng một số giao dịch trong ngày 13/3 sau khi cổ phiếu giảm lần lượt 65% và 52%. Cổ phiếu Charles Schwab (SCHW) cũng giảm 7% trong phiên giao dịch cùng ngày.
Không chỉ ngành ngân hàng và tài chính Mỹ rung chuyển bởi sự sụp đổ của SVB, thị trường tài chính thế giới từ châu Âu cho tới châu Á cũng đang chao đảo.
Báo The Guardian cho hay, tại châu Âu, chỉ số Europe 600 Banks theo dõi 42 ngân hàng lớn của Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã sụt giảm 5,6% trong phiên giao dịch sáng 13/3.
Cổ phiếu của “người khổng lồ” ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse giảm tới 9%. Trái phiếu chính phủ tại châu Âu giảm đồng loạt khi các nhà đầu tư đổ xô vào các tài sản trú ẩn an toàn.
Cổ phiếu ngân hàng tại các thị trường châu Á cũng trải qua các phiên giao dịch liên tiếp sắc đỏ là gam màu chủ đạo.
Chuyên gia Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại CME Group, cho rằng cú sốc SVB sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách của Fed phải tính tới việc giảm tốc lộ trình tăng lãi suất và nhiều khả năng ngân hàng này sẽ giữ ổn định biên độ 4,5-4,75% hiện nay tại cuộc họp tuần tới.
Các ngân hàng trung ương trên thế giới có lẽ cũng cần tính lại chủ trương vốn được thực hiện giống Fed trong mấy năm qua, đó là tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Về phần mình, để ngăn chặn một sự sụp đổ mang tính hệ thống sau vụ SVB, chính phủ Mỹ đang nỗ lực tìm hướng giải quyết. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bộ này đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý ngân hàng để ứng phó với những tác động liên quan vụ SVB phá sản.
Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) tìm kiếm một ngân hàng khác có thể sáp nhập với SVB nhằm cứu vãn tình hình.
Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn an toàn và chính phủ chưa cần tung ra một gói cứu trợ vào thời điểm này.
Bi kịch của SB và nhất là của SVB có thể không dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn diện với ngành ngân hàng hay “gây hiệu ứng domino,” kéo nền kinh tế Mỹ vào vòng xoáy suy thoái mới.
Tuy nhiên, vụ phá sản này có lẽ là bài học đắt giá cho các nhà hoạch định chính sách tại Mỹ. Cơ quan điều hành hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính Mỹ cũng cần phản ứng nhanh hơn với các dấu hiệu rủi ro của thị trường để tránh tái diễn kịch bản tồi tệ của cuộc suy thoái 2008-2009./.