Lý giải về hiện tượng lũ quét vừa xảy ra tại Làng Cù Lần (Lâm Đồng), chiều 25/10, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng có mưa lớn nên tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước gần bão hòa. Cùng với đó, mưa cường độ lớn trong thời đoạn ngắn gây ra dòng lũ đột ngột dâng cao chi sau khoảng 15 đến 20 phút.
Do vậy, khi chịu tác động của mưa lớn thời đoạn ngắn tại các lưu vực nhỏ hoặc lũ từ thượng nguồn đổ về nhiều khu vực tại tỉnh Lâm Đồng rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
"Ngoài ra, hình ảnh phản hồi ra đa thời tiết tại khu vực thượng nguồn nơi xảy ra lũ quét tồn tại vùng mây dông, do đó sự việc trên không loại trừ khả năng do lũ từ thượng nguồn bất ngờ đổ về cuốn trôi chiếc xe chở du khách tham quan," Phó Giám đốc Hoàng Văn Đại thông tin.
Lũ từ thượng nguồn dễ gây lũ quét
Theo ông Hoàng Văn Đại, trong năm 2023, tại tỉnh Lâm Đồng, lượng mưa cao hơn các năm, địa hình đồi dốc với đất đỏ bazan là chủ yếu và một số khu vực tiềm ẩm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất chưa kịp được rà soát. Tuy vậy, ngoài những nguyên nhân trên, còn có sự tác động của con người làm hủy hoại môi trường tự nhiên do phá rừng, hay xây dựng không hợp lý...
Đề cập đến dấu hiệu nhận biết lũ quét, ông Hoàng Văn Đại cho rằng, lũ quét có thể xảy ra là sau thời gian nắng kéo dài, mưa lớn...
Lũ quét xảy ra khi mưa lớn nhiều ngày, đặc biệt ở thượng nguồn hoặc mưa lớn tập trung trong vài giờ đồng hồ.
[Vụ xe jeep bị lũ cuốn: Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo tập trung khắc phục sự cố]
Dấu hiệu nhận biết lũ quét là khi nghe thấy tiếng động bất thường như đất đá va chạm vào với nhau khiến cây gãy đổ, nước sông suối chuyển sang màu đục.
Lũ quét thường xảy ra khi có lượng mưa lớn và kéo dài ở lưu vực các sông suối nhỏ miền núi, có độ dốc lớn, mặt lưu vực bị phong hoá mạnh, kết cấu kém. Lũ quét là loại hình thiên tai đặc biệt nguy hiểm, thường xảy ra trong phạm vi nhỏ, thời gian xảy ra ngắn (3-6 giờ) nên rất khó dự báo, cảnh báo.
Để phòng tránh lũ quét, sạt lở đất thì người dân, đặc biệt là khách du lịch thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo, cập nhật diễn biến lũ từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực các tỉnh, thành phố và trên các phương tiện thông tin đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương.
Người dân cần xác định các vị trí an toàn để phòng tránh khi có tình huống xảy ra...; chuẩn bị thức ăn, nước uống, đồ sơ cứu y tế, đèn pin...
Chủ động ứng phó với mưa lớn cục bộ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ngày 26/10, khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế có mưa rào, dông vài nơi. Các khu vực khác chiều tối và tối có mưa rào và dông rải rác, riêng Tây Nguyên, Nam Bộ cục bộ có mưa vừa, mưa to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ đêm 27-28/10, Bắc Bộ có khả năng chịu tác động của một đợt không khí lạnh, mưa dông sẽ xuất hiện trở lại ở khu vực này, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Từ ngày 30/10-3/11, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn cục bộ và nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Các địa phương sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp; kiểm tra, rà soát, triển khai phương án vận hành và đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Theo phóng viên TTXVN tại các địa phương, trong hai ngày 23-24/10, mưa lớn đã gây nhiều thiệt hại ở các địa phương.
Tại tỉnh Quảng Trị, mưa lớn đã gây ngập tại 19 điểm là cầu tràn ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông; trong đó huyện Đakrông có 12 cầu tràn bị ngập từ 1-2m, huyện Hướng Hóa có 7 cầu tràn bị ngập từ 0,5-1m. Huyện Hướng Hóa đã sơ tán 5 hộ với 23 nhân khẩu ở xã Hướng Linh do ảnh hưởng của ngập lụt.
Ở huyện Hải Lăng một số tuyến đường thôn, liên xã thuộc vùng thấp trũng như: Hải Phong, Hải Sơn, Hải Chánh, Hải Trường, Hải Lâm, Hải Định và trị trấn Diên Sanh bị ngập từ 0,2-0,8m. Các trường học tại xã Hải Định, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở xã Hải Ba đã cho học sinh nghỉ học.
Mưa lớn khiến việc lưu thông trên Quốc lộ 15D bị ách tắc do cầu tràn Đakrông tại Km0+307 bị ngập sâu 0,25m. Các tuyến đường tỉnh như: ĐT.585 đất sạt ở taluy dương tại Km3+850 với khối lượng khoảng 120m3; ĐT.588a đất chảy tràn ra mặt đường tại Km4+350, Km5+323, Km5+610 và một số vị trí khác với khối lượng khoảng 350m3.
Tại những điểm bị ngập úng, đất đá sạt trượt và nguy cơ sạt lở cao lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đã triển khai lực lượng canh gác, bố trí biển cảnh báo đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh. mưa lớn kéo dài nhiều giờ khiến hàng loạt tuyến đường tại quận 8, Bình Tân, Tân Bình bị ngập sâu, nhiều phương tiện chết máy do nước ngập quá bánh xe, người dân chật vật di chuyển qua đoạn ngập nước.../.