Vụ Trường Nam Trung Yên là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều nhà giáo

Vụ việc thiếu trung thực của Hiệu trưởng trường Nam Trung Yên đã phần nào làm giảm niềm tin của học sinh, gia đình và xã hội đối với các thầy cô giáo
Vụ Trường Nam Trung Yên là hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều nhà giáo ảnh 1Trường tiểu học Nam Trung Yên (Nguồn: Vietnam+)

Những ngày vừa qua, dư luận hết sức bất bình về một số sự việc vi phạm chuẩn mực đạo đức của giáo viên, từ việc thiếu trung thực của một Hiệu trưởng cho đến hành vi đánh trẻ của giáo viên mầm non.

Những vụ việc trên tuy chỉ là “hiện tượng,” nhưng đã phần nào làm giảm niềm tin của học sinh, gia đình và xã hội đối với các thầy cô giáo, là hồi chuông cảnh tỉnh về tính trung thực, gương mẫu, trách nhiệm... của một bộ phận nhà giáo chưa hoàn thiện về nhân cách.

Đặc biệt, ngày 21/2, Hội đồng kỷ luật của Ủy ban Nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã công bố quyết định kỷ luật cách chức đối với Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên.

Theo quyết định, bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng và bà Nguyễn Thị Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên nhận hình thức kỷ luật cách chức với cùng lý do: vi phạm nghĩa vụ công chức trong thực thi công vụ; không hoàn thành nhiệm vụ quản lý điều hành; không trung thực trong báo cáo vụ việc xảy ra tai nạn của học sinh tại Trường tiểu học Nam Trung Yên; cố tình che giấu vi phạm gây khó khăn cho cơ quan điều tra; vi phạm rất nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp người giáo viên, tạo dư luận xấu trong xã hội về đạo đức nghề nghiệp và hình ảnh người giáo viên Thủ đô nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung.

Sự việc trên đã gây bức xúc trong dư luận bởi sự vi phạm nghiêm trọng những chuẩn mực đạo đức của nhà giáo. Việc thiếu kỹ năng sư phạm còn có thể được bồi dưỡng bằng các lớp tập huấn, còn sự vô cảm, thiếu trách nhiệm, gian dối trước học sinh là không thể chấp nhận được.

Có thể thấy, quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh chịu ảnh hưởng rất lớn từ giáo viên. Trong giáo dục đạo đức, không phương pháp nào có sức tác động mạnh mẽ bằng chính nhân cách của người thầy. Một người thầy tốt sẽ là tấm gương sáng cho học sinh noi theo để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Người thầy không chỉ giáo dục cho học sinh về tri thức mà còn định hình cho các em về nhân cách, lẽ sống, biết yêu thương, sống có trách nhiệm cho bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện cả nước có hàng triệu giáo viên đang đứng lớp, phần lớn trong số này đang phát huy hết khả năng, truyền tri thức, nhiệt huyết, tình yêu thương và bài học làm người cho học trò. Nhưng, đôi lúc những “con sâu” trong ngành lại gây nên những tai tiếng, làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh người thầy trong xã hội.

Nhìn lại vụ việc của trường Tiểu học Nam Trung Yên, bà Tạ Thị Bích Ngọc không chỉ là một người thầy mà còn là Hiệu trưởng – người đứng đầu nhà trường nhưng lại có những hành vi không trung thực. Người giáo viên không thể dạy các em đạo đức mà lại quên đi bài học cho chính mình.

Nghề nào trong xã hội cũng cần những người tâm huyết, cẩn trọng, tận tâm. Tuy nhiên, có những nghề rất đặc thù, bởi sự vô tâm hay thiếu trách nhiệm của họ để lại hậu quả lớn hơn nhiều các nghề khác. Trong đó đặc biệt là nghề giáo.

Đặt trong bối cảnh hiện nay, sự giám sát của xã hội đối với môi trường giáo dục đang ngày càng chặt chẽ và những yêu cầu đối với các chuẩn mực đạo đức của giáo viên được chú trọng nhiều hơn trước. Xét trên tổng thể, số giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo chỉ là thiểu số, không phải là hiện tượng phổ biến. Mặc dù vậy, việc thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm làm trong sạch hóa đội ngũ nhà giáo là việc hết sức cần thiết.

Mới đây, tại hội thảo khoa học “70 năm sư phạm Việt Nam đổi mới và phát triển,” nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng: Một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay, không chỉ là những yếu kém, bất cập, lạc hậu của hệ thống giáo dục mà còn về thực trạng xuống cấp của đạo đức, lương tâm xã hội. Theo bà Nguyễn Thị Bình, xây dựng và hoàn thiện nhân cách con người và cả nền văn hóa là nhiệm vụ của toàn xã hội, nhưng nhà trường phải đóng vai trò tiên phong và nền tảng. Đã đến lúc phải rung lên hồi chuông báo động về vấn đề giáo dục nhân cách. Trên thế giới, triết lý giáo dục phổ biến là dạy và học để làm người. Chỉ khi biết “làm người,” nghĩa là có nhân tính thì mới có thể làm những cái khác, còn nếu không thì hoặc gây tai họa cho xã hội hoặc chẳng làm được gì cả.

Nguyên Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bình cũng nhấn mạnh: Bên cạnh việc giáo dục về tri thức, trường học không thể bỏ lơi mục tiêu bồi dưỡng tư cách làm người bởi vì những phẩm chất cần thiết ở con người như lòng nhân ái, tính trung thực, ý thức công dân, lương tâm nghề nghiệp… là những yếu tố quan trọng cấu thành chất lượng của nguồn lực con người. Để làm được điều này, cần nhiều hơn nữa những hành động mạnh mẽ, thiết thực, cụ thể từ ngành giáo dục, từ mỗi đơn vị trường học.

Trước hàng loạt những vụ việc xảy ra gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cũng vừa ký ban hành chỉ thị về tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8077/2007/CT-BGDĐT ngày 21/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo. Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học. Xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý, điều quan trọng nhất vẫn là sự nghiêm khắc với bản thân, ý chí nỗ lực tự hoàn thiện mình về mọi mặt của mỗi giáo viên. Có như vậy, gia đình và xã hội mới có thể yên tâm và tin tưởng vào môi trường giáo dục tốt đẹp – nơi học sinh không chỉ được tích lũy tri thức mà còn được trau dồi những bài học làm người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục