Ngày 6/5, vào lúc 11h (17h giờ Việt Nam), Vua Charles III đã chính thức đăng quang trong một buổi lễ trang trọng theo truyền thống Hoàng gia Anh tại Tu viện Westminster, London.
Cùng lúc đó, tại Hà Nội, cộng đồng người Anh và những người yêu mến nước Anh cũng đã đồng thanh hô vang "Chúa ban phước cho Vua!"
Đại sứ Anh tại Việt Nam Iain Frew đã chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus niềm hân hoan và phấn khởi nhân dịp trọng đại này.
Nghi lễ 1.000 năm tuổi
- Thưa Đại sứ, Lễ Đăng quang của Vua Charles III là sự kiện đặc biệt được cả thế giới quan tâm. Xin ông chia sẻ thêm về yếu tố văn hóa, lịch sử, truyền thống của buổi lễ này?
Đại sứ Iain Frew: Lễ Đăng quang là một sự kiện văn hoá quan trọng của Vương quốc Anh, thu hút sự quan tâm của người dân trên toàn cầu. Đã 70 năm rồi người dân mới được chứng kiến sự kiện trọng đại này, do đó chúng tôi rất mong chờ.
Tu viện Westminster là nơi tổ chức Lễ Đăng quang của các vị quân chủ Vương quốc Anh kể từ năm 1066. Lễ Đăng quang của Vua Charles III diễn ra sau 70 năm kể từ khi cố Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào tháng 6/1953. Vua Charles III sẽ là vị vua thứ 40 tuyên thệ lời thề trung thành phụng sự.
Trong Lễ Đăng quang, Nhà vua Vương quốc Anh sẽ được trao vương miện Thánh Edward được làm bằng vàng nguyên khối. Đây cũng chính là chiếc vương miện đã từng được trao cho Vua Charles II vào năm 1661 và được trang trí bằng 444 viên đá quý bao gồm hồng ngọc, thạch anh tím và ngọc bích.
Lễ Đăng quang cũng có nhiều yếu tố lịch sử khác khi sử dụng áo choàng nghi lễ, quả cầu vàng, quyền trượng, và ngai vàng 700 năm tuổi (được gọi là Ghế Đăng quang) với phần mặt ghế phía dưới được gắn với khối đá sa thạch màu đỏ (được gọi là Đá Định mệnh).
[Quan hệ Việt Nam-Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ]
Đức Tổng Giám mục Justin Welby xức dầu thánh cho Vua Charles III. Lễ Đăng quang vẫn không thay đổi nhiều trong hơn 1.000 năm qua và cũng là lễ đăng quang duy nhất còn tồn tại ở châu Âu.
Nhân dịp này, Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán Anh tại Việt Nam tổ chức sự kiện mừng Lễ Đăng quang của Nhà Vua dành cho cộng đồng người Anh tại Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt đã từng sống, học tập, làm việc tại Vương quốc Anh. Họ là những cá nhân vẫn đang không ngừng thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia.
Văn hoá Anh được thể hiện đậm nét trong hai sự kiện được tổ chức tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh thông qua các món ăn đặc trưng mừng lễ đăng quang như bánh quiche (món bánh có lớp vỏ ngoài bao quanh giòn hơi giống bánh tart, với nguyên liệu chính là rau ngải thơm, đậu ngựa và rau chân vịt), “gà đăng quang” (coronation chicken), cá và khoai tây chiên (fish and chips)...
- Nếu giờ này đang ở Vương quốc Anh thì ông sẽ hưởng ứng buổi lễ này như thế nào?
Đại sứ Iain Frew: Đối với tôi, sự kiện này đánh dấu sự thay đổi quan trọng về mặt chính trị xã hội. Trong suốt cuộc đời, tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh Nữ hoàng Elizabeth II trên tờ tiền, tem bưu chính và các biểu tượng khác. Vì vậy, việc nước Anh có một vị vua mới cũng tạo ra sự thay đổi trong cách mà chúng tôi nhìn nhận đất nước của mình.
Nếu ở Anh ngay lúc này, tôi đang ăn mừng cùng gia đình. Mẹ tôi có tổ chức một bữa tiệc mừng Lễ Đăng quang với hàng xóm và bạn bè. Vậy nên, chắc chắn tôi sẽ có mặt ở đó. Lễ Đăng quang là dịp mà người dân Anh tổ chức tiệc để giao lưu và chung vui cùng nhau.
Cơ hội hợp tác Việt Nam-Anh rộng mở
- Trên cương vị Đại sứ, ông cho rằng sự kiện Vua Charles III lên ngôi có ý nghĩa như thế nào và được dư luận thế giới đón nhận như ra sao?
Đại sứ Iain Frew: Lễ Đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II năm 1953 là buổi lễ đầu tiên được phát sóng trên truyền hình, thu hút 27 triệu khán giả theo dõi.
Ngày nay, Lễ Đăng quang của Vua Charles III có sức lan tỏa lớn hơn nhiều, như bạn thấy là buổi lễ được livestream, phát sóng trên nhiều kênh truyền hình và các nền tảng mạng xã hội. Do đó, tôi cho rằng sự kiện lần này có ý nghĩa toàn cầu hơn là buổi Lễ Đăng quang cách đây 70 năm.
Bên cạnh các nghi thức truyền thống, Lễ Đăng quang cũng mang nhiều nét mới và ghi dấu ấn cá nhân của Nhà vua, thể hiện một Vương quốc Anh hiện đại, đa văn hoá, bên cạnh đó, phản ánh vai trò của Nhà vua ngày nay mà và hướng tới tương lai. Nhân sự kiện trọng đại này, Vua Charles III mong muốn lan tỏa đam mê của mình đối với các hoạt động dành cho giới trẻ, cộng đồng, mang tính đa dạng và bền vững.
Là người sáng lập của gần 20 tổ chức từ thiện đồng thời là người bảo trợ, chủ tịch của hơn 400 tổ chức khác nhau, Vua Charles III giúp gây quỹ được hơn 100 triệu bảng Anh mỗi năm cho các hoạt động có ảnh hưởng tốt tới cộng đồng.
Tôi nghĩ người dân Anh và khắp thế giới đang hào hứng chứng kiến khoảnh khắc mà họ chưa từng thấy trước đây. Nước Anh đang bước vào một kỷ nguyên mới với Nhà vua và Vương hậu được người dân yêu mến.
- Các nguyên thủ quốc gia từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng đã đến Anh để tham dự sự kiện lịch sử này. Qua đây, ông có đánh giá như thế nào về quan hệ hai nước?
Đại sứ Iain Frew: Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mang ý nghĩa vô cùng đặc biệt, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, nhất là khi năm nay là năm Vương quốc Anh và Việt Nam kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Vua Charles III từ lâu đã bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề về môi trường và phát triển bền vững. Vương quốc Anh và Việt Nam cũng đã có những cam kết hợp tác giảm phát thải và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tôi tin rằng sự tham dự của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sẽ tạo ra một động lực mạnh mẽ cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa của hai nước.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ Đăng quang của Nhà vua Anh