Vựa lúa số 1 Việt Nam: Xâm nhập mặn có xu thế giảm nhưng vẫn lo!

Mặc dù xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Trên một số sông, khả năng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến đầu tháng Năm.
Vựa lúa số 1 Việt Nam: Xâm nhập mặn có xu thế giảm nhưng vẫn lo! ảnh 1Bản đồ dự báo xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5-20%. Xâm nhập mặn ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao. Thậm chí, trong trường hợp cực đoan, xâm nhập mặn có thể sẽ kéo dài và trầm trọng hơn…

Độ mặn duy trì ở mức cao

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong những ngày qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hầu như không mưa. Duy nhất trong ngày 21 và 23/3, tại Rạch Giá (Kiên Giang) xuất hiện lượng mưa cục bộ đạt tới 7 mm.

Nhìn chung, nắng nóng vẫn xảy ra tập trung nhiều tại khu vực miền Đông Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến ở mức 35-37 độ C. Riêng ngày 23, nắng nóng xuất hiện cục bộ tại miền Tây Nam Bộ ở một số nơi như Cao Lãnh, Châu Đốc.

Mực nước trên dòng chính sông Mekong cũng biến đổi chậm và ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Do vậy, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều, trong đó mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 0,95m (ngày 21/3), tại Châu Đốc 1,11m (ngày 21/3),tương đương cùng kỳ năm 2016.

Cơ quan khí tượng dự báo, những ngày tới, khu vực Nam Bộ vẫn duy trì tình trạng ít mưa, ngày nắng. Cụ thể, các tỉnh miền Đông Nam Bộ tiếp tục có nắng nóng diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-37 độ C; miền Tây Nam Bộ cục bộ có nơi nắng nóng, mưa có cũng chỉ xuất hiện vài nơi với lượng không nhiều.

[Chống hạn, chống mặn: Trong gian khó càng phải chung sức, đồng lòng]

Mực nước thượng lưu sông Mekong dự báo sẽ biến đổi chậm và thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1-0,5m. Theo đó, mực nước trên sông Tiền và sông Hậu biến đổi chậm theo triều; trong đó mực nước cao nhất tuần tại Tân Châu là 1,0m và tại Châu Đốc là 1,15m tương đương cùng kỳ năm 2016.

Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn từ 110-130km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 65-70km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 80-85km; sông Cổ Chiên, phạm vi xâm nhập mặn 60-75km; sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 55-65km; sông Cái Lớn, phạm vi xâm nhập mặn 58-63km.

Chiều sâu ranh mặn 4g/l trong thời kỳ này tại sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, có phạm vi xâm nhập mặn 86-110km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại, phạm vi xâm nhập mặn 52-60km; sông Hàm Luông, phạm vi xâm nhập mặn 73-78km; sông Cổ Chiên, sông Hậu, phạm vi xâm nhập mặn 45-55km; sông Cái Lớn 43-52km.

Mức độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn này được dự báo ở mức cấp độ 1-2.

Vựa lúa số 1 Việt Nam: Xâm nhập mặn có xu thế giảm nhưng vẫn lo! ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước diễn biến nêu trên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định từ ngày 1-5/4, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giảm chậm trong 1-2 ngày đầu, sau đó sẽ tăng trở lại.

Vì thế, trong thời kỳ từ 26/3-5/4, các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần tranh thủ tích trữ nước ngọt ngay khi có thể khi triều thấp, khi tưới cho cây ăn trái cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn tránh thiệt hại.

Về diễn biến dòng chảy, cơ quan khí tượng dự báo, từ nay đến tháng 5/2020, dòng chảy tại các trạm thượng nguồn sông Mekong ở mức tương đương trung bình nhiều năm và thấp hơn năm 2016 từ 5-20%.

Mặc dù xâm nhâp̣ măṇ ở cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần nhưng vẫn ở mức cao đến cuối tháng 3/2020. Đáng chú ý, trên các sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An), Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang), vùng bán đảo Cà Mau, khả năng xâm nhập mặn sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao đến cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020, sau giảm dần.

“Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài và việc tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập sẽ làm cho tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trầm trọng hơn,” cơ quan khí tượng lưu ý.

Cảnh báo sớm giai đoạn tới

Theo kịch bản phát thải cao, cuối thế kỷ 21, toàn dải ven biển Việt Nam, nước biển sẽ dâng trong khoảng từ 57-73cm, riêng khu vực từ Cà Mau đến Kiên Giang, mực nước biển tăng đến 105cm. Theo đó, một phần lớn diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long-vựa lúa số 1 Việt Nam, sẽ bị mất do ngập nước và xâm nhập mặn.

Thực tế trong 25 năm qua cho thấy Đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất ổn định đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm tích, gia tăng biên độ thủy triều, xâm nhập mặn, gây khan hiếm nguồn nước ngọt, sụt lún và xói lở đất nghiêm trọng. Chỉ trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, biên độ thủy triểu ở đồng bằng sông Cửu Long đã tăng tới 40% do các lòng sông sâu hơn trung bình 2-3m vì thiếu hụt trầm tích.

Theo tiến sỹ Philip Minderhoud-người chủ trì Nghiên cứu động thái tài nguyên nước dưới đất và xâm nhập mặn trong điều kiện sụt lún Đồng bằng sông Cửu Long (một nền tảng trong hợp tác đồng bằng giữa Việt Nam và Hà Lan), nguyên nhân gây thiếu hụt trầm tích ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam trước tiên là do hoạt động xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong cùng với hoạt động khai thác cát quy mô lớn ở hạ lưu đã làm tăng độ sâu của lòng sông...

“Khu vực này hiện chỉ cao hơn 0,8m so với mực nước biển, thấp hơn gần 2m so với giả định trước đây,” tiến sỹ Philip Minderhoud chia sẻ và đưa ra cảnh báo nếu hoạt động khai thác cát và nước ngầm vẫn diễn ra “tự do” như hiện nay thì đến năm 2100, nguy cơ vựa lúa số 1 của Việt Nam sẽ bị chìm, nhiễm mặn cục bộ.

Vựa lúa số 1 Việt Nam: Xâm nhập mặn có xu thế giảm nhưng vẫn lo! ảnh 3Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù nhiều người cho rằng những con số nêu trên chỉ có ý nghĩa tham khảo và cho dù biến đổi khí hậu có hiện hữu đi chăng nữa thì hậu quả cũng không nghiêm trọng đến như thế và rằng chúng ta vẫn còn nhiều thời gian từ đây cho đến tận cuối thế kỷ để đưa ra các giải pháp kịp thời cũng như giảm thiểu thiệt hại.

Vậy nhưng, ngay trong những ngày tháng này, Đồng bằng sông Cửu Long đã điêu đứng bởi hạn hán và xâm nhập mặn. Ngay với nguồn nước ngầm ở vùng này cũng cạn kiệt và ô nhiễm khiến người dân lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Chỉ với 3 tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, người dân và doanh nghiệp đã phải khoan hơn 291.000 giếng để lấy nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

Thực trạng nguồn nước ở vùng vựa lúa số 1 Việt Nam ngày càng suy kiệt đã ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu phát triển bền vững. Hơn ai hết, chính người dân trồng lúa, trồng cây ăn trái vốn chiếm số đông ở vùng này đang đứng trước nguy cơ bị mất sinh kế, mất việc làm, mất thu nhập, thậm chí “trắng tay” trước đại hạn…

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, tình hình khô hạn đã bắt đầu lan ra đến khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên.

Vì thế, “chúng ta cần tiếp tục theo dõi, đánh giá vùng nào trong 1,2,3 tháng tới xảy ra mức độ thiếu nước nghiêm trọng phải cảnh báo để người dân, chính quyền, địa phương có biện pháp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại,” ông Thành nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị bộ phận dự báo dài hạn và dự báo khí hậu nghiên cứu, đánh giá xem giai đoạn 2021-2022 có tiếp tục thiếu nước không và có cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục