Những ngày giáp Tết này, hoa của huyện miền núi Hoành Bồ (tỉnh Quảng Ninh) đang tỏa đi khắp nẻo đường, phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân trong và ngoài tỉnh.
Chuyển từ đất trồng lúa sang trồng hoa chưa lâu nhưng huyện Hoành Bồ hiện đã nức tiếng là vùng chuyên canh hoa bậc nhất của Quảng Ninh và ngày một khẳng định thương hiệu nhờ áp dụng thành công công nghệ cao vào sản xuất.
Khác với các vùng chuyên canh hoa khác, Hoành Bồ vốn là vùng miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ninh, người dân tộc thiểu số cao chiếm gần 37%, điều kiện và trình độ canh tác có nhiều hạn chế.
Theo những người trồng hoa lâu năm ở Hoành Bồ cho biết, trước đây chỉ trồng lúa và hoa màu, năng suất thấp, đời sống nhiều khó khăn. Nghề trồng hoa đã theo chân di dân từ Tiên Lãng, An Lão, An Hải (Hải Phòng) tới đây xây dựng kinh tế mới. Rồi hoa dần dần hợp đất, khoảng hơn 20 năm trở lại đây, có nhiều người mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa.
Bà Nguyễn Thị Khàn là một trong những người đầu tiên đem nghề trồng hoa đến Hoành Bồ cho biết thời kỳ đầu còn lạ địa bàn, chưa quen thổ nhưỡng, diện tích trồng hoa rất khiêm tốn với những giống hoa truyền thống như cúc, lay ơn, rồi hoa huệ, hồng, thược dược...
Sau nhiều vụ canh tác, với thế mạnh gần thị trường có sức tiêu thụ lớn như Hạ Long, Cẩm Phả… thậm chí Hà Nội, Hải Phòng, diện tích trồng hoa được tăng lên, chủng loại hoa đa dạng hơn. Từ đó, nghề trồng hoa ở Hoành Bồ phát triển thành làng hoa, như làng hoa xã Lê Lợi, xã Thống Nhất, rồi hợp tác xã trồng hoa, có thương hiệu, như hợp tác xã hoa Đồng Chè.
Nhận thấy hướng phát triển nghề trồng hoa của Hoành Bồ, năm 2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã triển khai dự án ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao giai đoạn 2012-2014, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Đây là bước tiến lớn với hoa Hoành Bồ trong việc ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch cơ cấu giống hoa.
Từ nguồn hỗ trợ, người trồng hoa đã quan tâm đến đầu tư, xây dựng hệ thống đường điện, nhà lưới, nhà bảo quản hoa cũng như hệ thống kênh mương phục vụ cho việc sản xuất. Trong đó có thể kể đến hệ thống nhà lưới hiện đại, đồng bộ có diện tích 780m2 và 1.200m2 ở Sơn Dương, 1.200m2 nhà lưới loại trung bình và 6.600 m2 nhà lưới loại đơn giản tại thị trấn Trới.
Anh Lê Thế Phước, chủ nhiệm hợp tác xã Rau hoa Đồng Chè đánh giá với việc đầu tư cơ sở vật chất, áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bệnh lý của cây hoa giảm đáng kể, thời điểm trổ bông cũng được điều chỉnh thích hợp với nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, người trồng hoa không còn thấp thỏm không yên khi thời tiết diễn biến xấu như khi còn canh tác giản đơn.
Theo thông tin từ phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoành Bồ, việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ để phát triển vùng trồng hoa chất lượng cao được đưa vào, năng suất hoa tăng đã lên và thu nhập của người trồng hoa cũng tăng từ 1,2 đến 1,5 lần.
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ cho biết nhờ có vốn hỗ trợ, đầu tư trang thiết bị và được tập huấn kiến thức, kỹ thuật, nhiều hộ, trang trại trồng hoa đã mạnh dạn thử nghiệm, đưa nhiều giống hoa mới cho năng suất và chất lượng cao vào trồng như hoa ly, lan hồ điệp, tuylip, hồng môn...
Đặc biệt, Hoành Bồ đã nhân rộng được mô hình hoa lan hồ điệp, sản xuất theo hướng công nghiệp. Nếu như những năm trước loại hoa này phải mua giống bên ngoài về sản xuất thì năm nay, huyện đã vận động được doanh nghiệp để họ đầu tư xây dựng nhà nuôi cấy mô, chủ động nguồn giống và cung cấp cho thị trường địa phương cùng một số tỉnh lân cận.
Trang trại hoa tại thôn Đồng Ho (xã Sơn Dương, Hoành Bồ) của công ty trách nhiệm hữu hạn Dung Huy đã áp dụng thành công phương pháp nhân giống bằng nuôi cấy mô được thực hiện trong những phòng thí nghiệm đạt chuẩn.
Thay vì nhập giống những loại hoa có giá trị thương phẩm cao như lan hồ điệp, địa lan như trước thì đến nay, trang trại đã tự chủ được nguồn cây giống và tiến tới là nơi cung cấp giống hoa lan cho cả vùng.
Anh Hà Việt Dũng, quản lý tại trang trại này cho biết: trung bình để cho ra một cây lan hồ điệp phải mất thời gian từ 18-20 tháng, tuy nhiên khi áp dụng công nghệ mới thì thời gian giảm xuống chỉ còn 15 tháng.
Với diện tích gần 2.000 m2, trang trại dự kiến thu về khoảng 50.000-60.000 cây hoa lan chất lượng cao phục vụ nhu cầu của khách hàng dịp Tết nguyên đán Ất Mùi 2015. Thu nhập từ trồng hoa lan năm nay của trang trại khoảng 5 tỷ đồng.
Bên cạnh việc trồng lan hồ điệp phục vụ dịp Tết, công tác nhân giống cũng được trang trại đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, số lượng cây giống dự trữ của trang trại đạt khoảng 80.000 cây, không chỉ giúp đảm bảo, chủ động nguồn giống cho mùa hoa sau mà còn cung cấp giống cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.
Trước đây, phân khúc các loại hoa có giá trị thương phẩm cao như lan hồ điệp, địa lan… hầu hết nhập từ Đài Loan, Trung Quốc với số lượng lên đến hơn 90%, thì nay các trang trại hoa tại Hoành Bồ đã dần lấy lại thị phần này. Trong năm 2014, con số này ước tính đạt khoảng 30-40% số lượng hoa lan trên thị trường.
Phó phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hoành Bồ, Phạm Văn Luyến cho biết sau khi Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể, hoa Hoành Bồ càng khẳng định thêm uy tín với người tiêu dùng.
Trong năm tới, huyện tiếp tục mở rộng diện tích trồng hoa, đặc biệt là diện tích trồng hoa cao cấp như hoa lan. Điều này góp phần làm phong phú và tăng thêm hiệu quả cũng như giá trị của sản phẩm hoa Hoành Bồ.
Theo thống kê của huyện Hoành Bồ, diện tích trồng hoa hiện nay của huyện khoảng 80ha, cho thu nhập mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, trong đó riêng vụ Đông Xuân là gần 50 ha, thu về khoảng 15 tỷ đồng.
Hoa Hoành Bồ đã và đang là sản phẩm giúp người dân huyện miền núi này thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.