Kênh Rạch Bà hiện đang là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm và ngày càng trầm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều hộ dân sống gần kênh.
Kênh Rạch Bà là kênh thoát nước của thành phố Vũng Tàu, kéo dài từ các phường 10, phường Rạch Dừa, phường 11, phường 12 trước khi đổ ra cầu Cửa Lấp và ra biển.
Tuy nhiên, dòng kênh này hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen kịt, có nơi chuyển màu xanh, đục ngầu, cùng với đó là rác thải, chai nhựa, túi nylon... nổi trên mặt nước.
Các nguồn nước thải sinh hoạt, chăn nuôi từ nhiều hộ dân cũng xả thẳng ra dòng kênh.
Chị Hoàng Thị Hằng (người dân tổ 6, khu phố 1, phường 11) cho biết tại khu vực này có một số hộ chăn nuôi lợn xả trực tiếp xuống kênh Rạch Bà khiến mùi hôi thối nồng nặc trong không khí.
Nước thải chăn nuôi xả thẳng ra môi trường ảnh hưởng đến dòng kênh cũng như cuộc sống của người dân nơi đây. Mùi hôi thối từ dòng kênh bốc lên cùng mùi hôi thối từ chất thải chăn nuôi khiến người dân đi làm về là phải đóng kín cửa.
Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Vũng Tàu, năm 1993, bề rộng lòng kênh Rạch Bà của toàn tuyến từ 8-18 m. Tuy nhiên đến nay, lòng kênh đã bị thu hẹp, trung bình chỉ còn khoảng 4m.
Nhiều khu vực bờ kênh bị người dân lấn chiếm xây dựng nhà cửa, công trình, trồng trọt… Kênh Rạch Bà đã không còn phát huy được vai trò là kênh thoát nước chính của thành phố mà đã trở thành ao tù, ô nhiễm nghiêm trọng.
Xung quanh dòng kênh này có hàng chục cơ sở chế biến hải sản có phép và các cơ sở nhỏ lẻ không phép, cơ sở chăn nuôi hộ gia đình… Một số cơ sở lén lút xả thải trực tiếp ra kênh mà không qua xử lý.
Để xử lý tình trạng ô nhiễm kênh Rạch Bà, chính quyền thành phố Vũng Tàu đã nhiều lần đi khảo sát, giám sát, xử lý các hành vi gây ô nhiễm; đồng thời, yêu cầu các cơ sở chế biến hải sản trong thời gian chờ di dời phải có các giải pháp tổng thể, xử lý các chất thải phát sinh đạt chuẩn trước khi xả thải; ngăn chặn các nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống dẫn nước thải thoát ra khu vực Cửa Lấp.
Cùng với đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu các phường tổ chức thu gom rác trôi nổi trên tuyến kênh thoát nước; ngăn chặn, xử lý không để người dân, doanh nghiệp lấn chiếm lòng kênh; kiểm soát chặt các hoạt động xả thải ra kênh, cống thoát nước.
Nhà dân phải có công trình xử lý sơ bộ trước khi đấu nối. Các cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải phải xử lý trước khi thải ra môi trường, ngăn chặn tình trạng xả rác thải xuống kênh.
Ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu cho biết, kênh Rạch Bà là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường của thành phố nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng.
Trước thực trạng trên, Ủy ban Nhân dân thành phố đang lập quy hoạch 1/500, dự kiến trong quý 3/2024 sẽ phê duyệt; đồng thời, lập dự án đầu tư nạo vét, chỉnh trang kênh Rạch Bà.
Theo dự kiến ban đầu đến năm 2025, Ban Quản lý công nghiệp dân dụng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư sẽ triển khai dự án. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn nên sẽ triển khai dự án trong nhiệm kỳ 2026-2030.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Vũng Tàu thông tin thêm, kênh Rạch Bà đã được thành phố đưa vào quy hoạch chung 1/10000, với quy hoạch là kênh mở, kênh hở có nghĩa là 2 bên bờ kênh sẽ làm đường và toàn bộ tuyến kênh sẽ vừa xây dựng cảnh quan, vừa là kênh thoát nước chính của địa phương./.
Ninh Thuận: Xử lý ô nhiễm rác thải Đầm Nại sau phản ánh của TTXVN
Sau khi xử lý rác thải tại Đầm Nại, địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường biển.