Đến làng quất Tứ Liên vào dịp này, mọi người sẽ bị thu hút bởi không gian sặc sỡ của những cây quất đến độ chín cũng như những cây quất bonsai dáng đẹp. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Hiện nay, do đô thị hóa, quỹ đất trong làng không còn nhiều, chủ yếu còn lại các vườn nhỏ và người nơi khác đến thuê để trồng quất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Để có được những chậu quất lung linh cho dịp Tết Âm lịch, các nhà vườn ở Tứ Liên đã phải bỏ công chăm chút suốt cả năm. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Những người làm vườn cho biết cây bonsai sẽ lên chậu từ tháng Tư để có thể uốn cây theo ý mong muốn. Lúc này cần chú ý chăm sóc đến bộ rễ để đảm bảo cho cây được cung cấp đủ dưỡng chất. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Chăm sóc đảm bảo cho cây được phát triển khỏe mạnh đến dịp Tết sẽ cho ra những quả đều và to. Nghệ thuật của người làm vườn giúp cây có cả quả xanh và quả chín, vừa ra lộc và ra hoa tượng trưng đầy đủ phú quý cho gia chủ. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Đến gần Tết, quả lớn và nặng cành nên đòi hỏi nhiều công chăm sóc hơn, người chăm cây sẽ dùng những dây thép nhỏ để cố định lựa dáng cây theo ý mình nhưng vẫn giữ được nét tự nhiên. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Giữ độ ẩm cho cây cũng là một yếu tố quan trọng. Trong những ngày này, nếu trời hanh khô sẽ phải tưới nước ít nhất 1 lần/ ngày. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Anh Huy, chủ vườn quất bonsai cho biết: 'Ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cả giảm so với mọi năm, khách đến mua cũng đắn đo để bỏ một số tiền ra chơi quất.' (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Những năm trước, vườn của anh có những cây quất trị giá hàng chục triệu đồng nhưng 2 năm trở lại đây, anh chỉ làm những chậu quất có giá từ vài trăm nghìn đến 5 triệu đồng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Vườn quất của anh không mang ra chợ bán, những người sành chơi sẽ đến tận nơi để xem và đặt hàng. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Các nhà vườn hầu hết có mái che để tránh hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, đảm bảo về chất lượng sản phẩm phục vụ Tết. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Ngoài bonsai, các nhà vườn còn có những cây to, chủ yếu phục vụ cho khách mua về những nơi có không gian rộng nên lượng cây này những năm gần đây người dân không trồng nhiều. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Để cho cây quất phát triển bình thường thì người dân chỉ trồng 250 gốc trên diện tích 300 mét vuông để tạo độ thoáng cho cây. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Chủ vườn quất Tô Vũ cho biết nhà ông đã trồng quất qua mấy thế hệ, hiện nay vườn của ông có 400 gốc trên bình với các dáng như thác đổ, phu thê, mẫu tử... (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+) Gia đình nhà cô Thể làm nghề được 30 năm chia sẻ: 'Nhà tôi cũng có khoảng 400 gốc, đã có khách đến hỏi mua cả vườn.’ Cô cho biết thêm nếu mùa này có sương muối sẽ phun thuốc chống sương giúp cây giữ được quả đến Tết. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)
‘Vương quốc’ quất cảnh ở Hà Nội sẵn sàng phục vụ dịp Tết Nguyên Đán
Tết Nhâm Dần đang đến gần. Các nhà vườn tại làng nghề quất cảnh Tứ Liên (Âu Cơ, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc cây quất để chuẩn bị có những sản phẩm tốt nhất xuất vườn.
Hoài Nam 31/12/2021 08:11