Vượt suối, băng rừng, thầy cô đưa từng học sinh đến lớp

Để đến được nhà các em, các thầy cô giáo chỉ có một cách duy nhất là phải đi bộ, trèo núi, lội suối và vượt qua chiếc cầu “tử thần,” đã từng bị lũ lụt cuốn trôi.
Vượt suối, băng rừng, thầy cô đưa từng học sinh đến lớp ảnh 1Cầu treo vào khu dân cư Nước Mù ở xã Sơn Bua (Sơn Tây, Quảng Ngãi). (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Dù năm học mới đã bắt đầu được nửa tháng, nhưng hiện giáo viên của huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, vẫn phải nỗ lực đến từng bản làng, vào từng nhà dân để vận động học sinh đến lớp.

Vào bản tìm học trò

Một ngày giữa tháng 9/2019, phóng viên đã được cùng giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua, huyện Sơn Tây, đến từng nhà học sinh để vận động các em đến lớp.

Điều đáng nói, để đến được nhà các em chỉ có một cách duy nhất là phải đi bộ, trèo núi, lội suối và vượt qua chiếc cầu “tử thần.”

Chiếc cầu treo trên đường đến khu dân cư Nước Mù có chiều dài khoảng 110m. Trước đây, cầu đã bị lũ lụt cuốn trôi, từng được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây sửa chữa, được Tỉnh đoàn Quảng Ngãi hỗ trợ thép để gia cố lại.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết nên hai trụ đã hư hỏng nặng, lộ ra các lõi thép hoen rỉ, mỗi lần có người qua lại, cây cầu rung lắc mạnh, vô cùng nguy hiểm.

[Mô hình trường học bán trú giúp học sinh vùng cao yên tâm đến lớp]

Sau khoảng 40 phút băng qua con đường núi trơn trượt và chiếc cầu treo nguy hiểm, chúng tôi đã nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên của bà con khu dân cư Nước Mù. Vừa nhìn thấy các giáo viên thì các em nhỏ nơi đây liền chạy trốn. Theo các thầy, cô giáo thì các em sợ giáo viên đến “bắt” chúng đến lớp vì hôm nay ngày thường, phải đi học.

Hầu hết người lớn trong khu dân cư Nước Mù đều không biết chữ, vì thế họ cũng ít quan tâm đến việc học của con.

“Đặc điểm của các em học sinh ở đây là một em nghỉ thì các em khác cũng nghỉ theo để chơi cùng nhau. Do đó, để các em đến lớp đầy đủ là điều không dễ dàng. Giáo viên của trường phải thường xuyên đi xin quần áo, sách vở để các em đến lớp có đồ mặc, có sách vở học,” thầy Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua cho hay.

Người dân ở Nước Mù rất đông con như gia đình ông Đinh Văn Núi có đến 10 đứa con, trong đó có bảy đứa đang là học sinh của trường mầm non, tiểu học và cả trung học cơ sở. Tuy nhiên, hôm nay chỉ có một đứa đang đi học, còn sáu đứa trốn học ở nhà.

Ông Núi hồn nhiên cho biết: “Đầu tuần đưa tụi nó đi học, nhưng tụi nó buồn, nhớ nhà thì tự về chơi. Khi nào chúng thích thì lại lên trường thôi!”

Rời nhà ông Núi, các giáo viên lại đến một số gia đình khác nói chuyện với các bậc phụ huynh để họ sớm đưa con em đến lớp. Tại đây, các giáo viên phát hiện em Đinh Thị Thận (năm nay lên lớp 5) chưa đến lớp ngày nào kể từ khi năm học mới bắt đầu.

Vượt suối, băng rừng, thầy cô đưa từng học sinh đến lớp ảnh 2Người dân qua cầu treo nguy hiểm. (Ảnh: Đinh Hương/TTXVN)

Thận được cha mẹ đưa từ địa phương khác về khu dân cư Nước Mù để ở với ông bà. Nhưng do cha mẹ em không biết chữ, lại không biết phải đưa con lên lớp nào, nên dù năm học mới đã qua nửa tháng nay, Thận vẫn chưa được đến lớp.

Thầy Ánh đã hướng dẫn tận tình cho phụ huynh của em Thận để họ hoàn thành thủ tục nhập học cho em. Đồng thời, thầy cũng “đặc cách” cho Thận để em đến lớp trước khi em có đầy đủ hồ sơ.

Chị Đinh Y Mới, mẹ em Thận, cho biết: “Tôi không biết chữ, cũng muốn con đi học cho giỏi để biết chữ. Tôi sẽ sớm về nơi ở cũ rút học bạ để con đi học tiếp.”

Chăm học trò như chăm con

Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua có 422 học sinh, trong đó bậc tiểu học có 12 lớp, trung học cơ sở có 4 lớp. Trường có 170 học sinh bán trú, nhưng có 200 học sinh ăn cơm trưa tại trường.

Điều đặc biệt là dù các em bán trú này có đến lớp đầy đủ hay không nhưng suất cơm cho các em vẫn phải chuẩn bị đầy đủ, vì việc các em nghỉ học nhưng giờ ăn lại có mặt đã trở thành chuyện “thường.”

Thầy Nguyễn Tấn Đức, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua, cho hay: “Các em vắng học chưa hẳn đã về nhà, có thể là bỏ đi chơi, đến lúc đói lại về trường ăn cơm. Cũng có những em về nhà, nhưng đến giờ ăn lại đến trường ăn. Vì đi học kiểu “giã gạo” như vậy nên khi không theo kịp bài giảng các em lại thêm chán nản, trốn tránh các buổi học.”

Để đảm bảo việc dạy và học, nhiều năm nay Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Bua đã tổ chức bán trú cho học sinh từ lớp 1-9. Tuy nhiên, việc tổ chức bán trú cho các em bậc tiểu học tạo ra nhiều khó khăn cho cán bộ, giáo viên nhà trường bởi các em còn quá nhỏ, chưa thể tự lập trong việc vệ sinh cá nhân.

“Đầu tuần, nhiều em khi được cha mẹ đưa đến thì còn đu bám không chịu vào lớp. Nhưng khó khăn nhất đối với giáo viên là vào giờ ăn và ban đêm, các em còn quá nhỏ nên chưa thể tự vệ sinh cá nhân, vì vậy giáo viên phải tắm, rửa cho các em. Trường lại không có cán bộ chuyên phụ trách công tác bán trú nên phải cắt cử các giáo viên thay nhau trực. Có những đêm khi một em kêu đau là các em khác cùng phòng cũng kêu đau, Ban giám hiệu nhà trường phải tới đưa các em đến Trung tâm y tế, đồng thời hỗ trợ trông coi các em còn lại,” thầy Ánh kể lại.

“Để đưa được con chữ đến với học sinh vùng cao đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của giáo viên không chỉ về chuyên môn, mà còn về sự kiên trì, chịu khó, tận tình, nhiệt huyết. Con đường các em đến trường vất vả bao nhiêu thì con đường để chúng tôi truyền dạy con chữ cho các em cũng khó khăn bấy nhiêu. Nhưng chúng tôi đã và đang nỗ lực hết mình để đưa con chữ đến cho các em, hi vọng các em có tương lai tươi sáng hơn,” thầy Ánh bày tỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục