Washington sẽ thảo luận với Iraq về tương lai của lực lượng Mỹ

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, các nhà lãnh đạo Iraq không thể tuyên bố công khai nhưng về mặt cá nhân, họ mong muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại Iraq để tiến hành chiến dịch chống khủng bố.
Washington sẽ thảo luận với Iraq về tương lai của lực lượng Mỹ ảnh 1Lính Mỹ ở Iraq. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/1 khẳng định Washington sẽ phối hợp với các nhà lãnh đạo Iraq để "quyết định về địa vị thích hợp" đối với hoạt động triển khai quân đội Mỹ ở quốc gia Trung Đông này.

Tuyên bố của ông Pompeo được đưa ra sau khi Baghdad hồi tuần trước yêu cầu Mỹ chuẩn bị rút quân khỏi Iraq.

Phát biểu tại một sự kiện do Viện Hoover tổ chức ở bang California, Ngoại trưởng Pompeo nói: “Tình hình lực lượng của chúng ta cuối cùng sẽ được giải quyết như thế nào bên trong Iraq, chúng ta sẽ phối hợp (với) các nhà lãnh đạo được bầu ở Iraq để quyết định về địa vị thích hợp."

Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông đã được nghe các thông điệp khác nhau khi nói chuyện với khoảng 50 nhà lãnh đạo ở Iraq kể từ đầu tháng này.

Theo ông Pompeo, các nhà lãnh đạo Iraq này không thể tuyên bố công khai nhưng về mặt cá nhân, họ mong muốn quân đội Mỹ tiếp tục hiện diện tại Iraq để tiến hành chiến dịch chống khủng bố.

[Liên quân do Mỹ dẫn đầu mời báo chí thăm căn cứ trúng tên lửa ở Iraq]

Trước đó, ngày 12/1, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khẳng định Mỹ sẽ chỉ rút quân khỏi Iraq với các điều khoản riêng và tiến hành điều đó khi thấy an toàn.

Trả lời trên Fox News, ông O’Brien cho biết: “Tổng thống đã nói rằng chúng ta muốn ra khỏi Trung Đông. Tuy nhiên, những gì chúng ta cần làm là sẽ rời đi với các điều khoản của chúng ta và khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bị loại bỏ hoàn toàn."

Theo ông O’Brien, Mỹ sẽ đưa ra một giải pháp và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có sự tham gia nhiều hơn ở Iraq.

Liên quan tới nghị quyết của Quốc hội Iraq, theo đó yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở quốc gia này, ông O’Brien cho rằng đó là nghị quyết không có tính ràng buộc và chỉ được nhóm các nghị sĩ theo dòng Hồi giáo Shiite thông qua.

Trong khi đó, Thủ tướng tạm quyền Iraq Adel Abdul-Mahdi đề nghị Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cử phái đoàn đến Iraq để xây dựng cơ chế về việc rút quân Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông.

Sau khi Quốc hội Iraq ngày 5/1 đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại nước này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Baghdad.

Mỹ đã gửi tin nhắn thoại trực tiếp đến Phủ Thủ tướng Adel Abdel Mahdi, mà theo một quan chức Iraq cho biết, đó là lời đe dọa rằng nếu quân đội Mỹ bị trục xuất, Washington sẽ phong tỏa tài khoản của Iraq tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Tài khoản này được mở từ năm 2003 và là nơi Baghdad lưu giữ nguồn doanh thu từ dầu mỏ. Theo nghị quyết 1483 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tất cả các khoản thu từ việc bán dầu mỏ của Iraq sẽ được chuyển vào tài khoản tại Fed.

Iraq là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và hơn 90% ngân sách, khoảng 112 tỷ USD trong năm 2019, là doanh thu từ dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.