Ngày 13/10, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang tiến gần "một cách nguy hiểm" đến suy thoái do lạm phát, lãi suất tăng và gánh nặng nợ ngày càng tăng ảnh hưởng tới các nước đang phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và WB tại Washington, ông Malpass nói: "Chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 từ 3% xuống 1,9%, mức gần nguy hiểm với suy thoái kinh tế thế giới."
Theo ông Malpass, vấn đề lạm phát, lãi suất tăng và việc cắt dòng vốn đến các nước đang phát triển đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến người nghèo.
Ông nhận định cuộc suy thoái kinh tế trên toàn cầu có thể xảy ra theo một số trường hợp nhất định.
Trong nghiên cứu công bố vào giữa tháng 9/2022 vừa qua, WB cảnh báo rằng nếu các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, thế giới có thể tiến tới cuộc suy thoái toàn cầu vào năm 2023, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,5%.
Theo ông Malpass, dân số thế giới tăng trưởng ước tính khoảng 1,1%/năm. Do vậy, nếu tăng trưởng kinh tế chậm hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng dân số, điều đó có nghĩa là nghèo đói gia tăng.
Trích dẫn báo cáo gần đây của WB, ông Malpass cho biết đại dịch COVID-19 đã lấy đi những thành quả đạt được về xóa đói giảm nghèo trên toàn cầu kể từ năm 1990, khi đẩy khoảng 70 triệu người vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2020 và cuộc xung đột ở Ukrainecó nguy cơ làm gia tăng thêm tình cảnh này.
[IMF và WB cảnh báo nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái]
Theo Báo cáo cập nhật về đói nghèo đói và thịnh vượng chung của WB, thu nhập trung bình trên toàn cầu đã giảm 4% trong năm 2020, lần giảm đầu tiên kể từ khi WB bắt đầu tiến hành đánh giá mức thu nhập trung bình vào năm 1990.
Ông Malpass nhấn mạnh, nếu xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, thu nhập trung bình sẽ giảm tiếp.
Ông Malpass cho biết thế giới đang phải đối mặt với môi trường đầy thách thức từ các nền kinh tế phát triển và điều này cũng là mối đe dọa đối với các nước đang phát triển.
Ông nói: "Lo ngại lớn nhất của tôi là tình hình và xu hướng này có thể kéo dài sang năm 2023 và 2024"./.