WB: GDP 6 tháng của Việt Nam tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua

Các chuyên gia cảu WB cho biết, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Các chuyên gia của Ngân hàng thế giới tại buổi công bố báo cáo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 20/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố Báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam.

Mức tăng trưởng cao nhất

Trình bày về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam thời gian qua, ông Sebartian Eckardt, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội ước đạt 6,28% trong nửa đầu của năm 2015. Đây là mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất của Việt Nam trong vòng 5 năm qua.

Theo ông Sebartian Eckardt, sự phục hồi này chủ yếu nhờ kết quả hoạt động tích cực trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng.

Theo báo cáo, trong bối cảnh lạm phát thấp, Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho hoạt động kinh tế đồng thời điều chỉnh tỷ giá để đảm bảo tính cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong khi đó, đà xuất khẩu suy giảm và nhập khẩu tăng nhanh đã đẩy tài khoản vãng lai vào tình trạng thâm hụt trong quý 1.

WB đánh giá cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ vẫn ở mức dương, dự báo ở mức 0,5% GDP.

Ngân hàng này dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,0-6,2% trong năm nay, cao hơn mức ước tính 6% của năm 2014, trong khi lạm phát của Việt Nam kết thúc năm 2015 sẽ đứng ở mức thấp là 2,5%.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam cho rằng, mặc dù chính sách tiền tệ đã được nới lỏng song kỳ vọng lạm phát vẫn giữ ở mức thấp do giá nhiên liệu và lương thực thực phẩm toàn cầu thấp. Thâm hụt tài khóa dự báo sẽ được điều chỉnh thông qua nỗ lực cắt giảm chi tiêu để tránh gia tăng hơn nữa nợ công.

Cũng theo bà Kwakwa, cán cân thương mại sẽ bị thu hẹp đáng kể trong năm nay do đà giảm xuất khẩu và nhập khẩu tiếp tục gia tăng để đáp ứng các hoạt động kinh tế và nhu cầu đầu tư trong nước. Tuy nhiên, lượng kiều hối ổn định sẽ góp phần duy trì tài khoản vãng lai thặng dư nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với năm ngoái.

Đánh giá về tái cơ cấu ngân hàng, ông Sebartian Eckardt cho rằng, cải cách ngân hàng đã có nhiều tiến triển, đặc biệt trong lĩnh vực mua bán và sáp nhập. Nhiều vụ sáp nhập và mua lại các ngân hàng nhỏ được thực hiện bởi các ngân hàng thương mại có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc thiếu một khung pháp lý đầy đủ và phù hợp tiếp tục là trở ngại cho việc xử lý nợ xấu.

"Mặc dù cải cách ngân hàng có nhiều tiến triển nhưng tiến độ tái cơ cấu tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước lại đang chậm," ông Sebartian Eckardt đánh giá.

Tính đến hết quý 1 mới cổ phần hóa được 29 doanh nghiệp nhà nước, trong khi mục tiêu đề ra cho cả năm nay là 289 doanh nghiệp.

Theo WB, việc thực hiện nghiêm túc các quy định pháp lý và pháp quy về quản lý và quản trị doanh nghiệp nhà nước ban hành năm ngoái và tăng tỷ lệ sở hữu của khu vực tư nhân với doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa cần tiếp tục được coi là một ưu tiên chính.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vẫn còn nhiều khoản nợ tiềm ẩn rủi ro

Trong báo cáo, phần đánh giá về nợ công được nêu khá chi tiết và cụ thể. Cụ thể, nợ công của Việt Nam tăng nhanh trong những năm trở lại đây. Tính đến cuối năm 2014 tổng dư nợ công của Việt Nam (nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) ước tính 2.347 nghìn tỷ đồng (khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, tỷ trọng nợ công so với GDP tăng nhanh từ 50% năm 2011 lên mức 59,6% năm 2014.

Bộ Tài chính dự báo tổng dư nợ công có thể đạt mức đỉnh điểm gần 65% GDP vào cuối năm 2017. Sau đó, tỷ lệ nợ/GDP sẽ giảm dần do thắt chặt tài khóa.

Báo cáo phân tích, nợ tăng do thay đổi cơ cấu nợ. Do nhu cầu tài trợ ngân sách tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động vốn vay ưu đãi bên ngoài, Chính phủ chủ yếu dựa vào vay trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn.

Mặc dù nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn giữ ổn định khoảng 27-28% GDP trong giai đoạn 2010-2014, nợ trong nước tăng nhanh từ 23,1% GDP năm 2010 lên 31,7% GDP năm 2014. Phần lớn huy động vốn trong nước dựa trên phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất bình quân 7,9%/năm trong năm 2013 và 6,6% năm 2014.

Bên cạnh đó, thời gian đáo hạn trung bình của trái phiếu Chính phủ tương đối ngắn 3,1 năm (2013) và 4,8 năm (2014). Điều này có thể phát sinh rủi ro quay vòng nợ không khớp với kỳ hạn, đặc biệt trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng được tài trợ bằng nợ vay.

Ngoài ra, theo WB, nghĩa vụ tiềm tàng từ doanh nghiệp nhà nước và khu vực ngân hàng cũng trở thành mối nguy cơ rủi ro tới tính bền vững của nợ công. Ngoài các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh vẫn còn nhiều các khoản nợ chưa được thống kê một cách đầy đủ. Các khoản nợ này ước tính có quy mô khá lớn, tính rủi ro cao và có thể đe dọa tới ổn định tài khóa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục