Ngày 18/8, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết kể từ khi COVID-19 bùng phát, tổ chức này đã giải ngân khoản hỗ trợ kỷ lục 49,8 tỷ USD để giúp Mỹ Latinh và Caribe đối phó với các tác động y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra, cũng như tình trạng lạm phát leo thang và mất an ninh lương thực.
Riêng trong năm tài khóa vừa qua, kết thúc vào ngày 30/6, WB đã giải ngân khoảng 20,7 tỷ USD cho khu vực này.
Phó Chủ tịch WB tại Mỹ Latinh và Caribe Carlos Felipe Jaramillo nhận định những thách thức lớn khu vực đang phải đối mặt bao gồm khắc phục thiệt hại về giáo dục, khôi phục tính bền vững tài khóa, tăng cường y tế, thúc đẩy chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu và đẩy mạnh nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong năm nay, nguồn hỗ trợ của WB tập trung vào bảo trợ xã hội, mua và phân phối vaccine ngừa COVID-19, tăng cường hệ thống y tế và bền vững tài khóa.
[Các quốc gia Mỹ Latinh chật vật đối phó cơn bão lạm phát]
Kể từ khi đại dịch bùng phát, Nhóm Ngân hàng Thế giới đã tài trợ tổng cộng 272 tỷ USD cho khu vực công và tư của các quốc gia trên thế giới nhằm đối phó với các tác động về y tế, kinh tế và xã hội do COVID-19 gây ra.
Với hơn 55,7 triệu ca mắc và gần 1,5 triệu trường hợp tử vong trong hai năm bùng phát đại dịch COVID-19, Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khỏe và kinh tế.
Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ước tính khoảng 86 triệu người dân khu vực này đang đối mặt tình trạng nghèo cùng cực sau hai năm chật vật ứng phó với đại dịch COVID-19. Đây là con số cao nhất ghi nhận trong 27 năm qua./.