Lãng phí lương thực hạn chế hiệu quả của nỗ lực chống đói nghèo là cảnh báo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo công bố ngày 27/2.
Báo cáo của WB đưa ra một con số đáng quan tâm, đó là 25-33% lượng lương thực được sản xuất dành cho con người tiêu thụ bị lãng phí hoặc thất thoát mỗi năm.
Ngũ cốc và rau, củ, quả là loại thực phẩm bị lãng phí nhiều nhất.
WB nhấn mạnh nghịch lý trong khi hàng triệu người trên thế giới đi ngủ ôm bụng đói mỗi đêm, thì hàng triệu tấn lương thực bị lãng phí hoặc bị hư hỏng do khâu bảo quản kém.
Cụ thể, ở các khu vực nơi mà tình trạng suy dinh dưỡng trở nên phổ biến như châu Phi và Nam Á, lượng thực phẩm bị lãng phí nếu quy đổi ra lượng calo mỗi người tiêu thụ thì tương đương 400-500 calo/người/ngày.
Trong khi đó, con số này ở các nước phát triển có thể lên tới 750-1.500 calo/người/ngày.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng lãng phí thực phẩm nằm ở khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu thụ trong dây chuyền cung ứng lương thực.
Ở Bắc Mỹ, hơn 61% lượng lương thực bị lãng phí hoặc thất thoát trong quá trình tiêu dùng. Ví dụ nhiều người mua thực phẩm song bỏ quên trong tủ lạnh cho đến khi thiu thối.
Ở các nước như Mỹ và Anh, trung bình một gia đình gồm bốn người mỗi năm lãng phí lần lượt 1.600 USD và 1.100 USD tiền mua thực phẩm mà không dùng đến.
Các nước ở khu vực miền Nam sa mạc Sahara, phần lớn lương thực lại bị lãng phí trong khâu sản xuất và chế biến, trong khi chỉ có 5% lượng lương thực bị thất thoát khi tiêu thụ.
Theo báo cáo, tình trạng lãng phí lương thực khiến hoạt động của nền kinh tế, cụ thể là ngành năng lượng và việc sử dụng các nguồn tự nhiên trở nên không hiệu quả.
Cụ thể, sự lãng phí trong dây chuyền cung ứng gạo, táo và càphê dẫn đến sự lãng phí một lượng lớn nước sạch dùng trong trồng trọt.
WB đưa ra một số giải pháp khả thi nhằm hạn chế tình trạng này như thay đổi kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tăng cường đầu tư vào giao thông và cơ sở hạ tầng cũng như thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.../.