WEF về khu vực Mekong thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Ngày 25/10, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dự và phát biểu bế mạc Diễn đàn. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 25/10, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại Hà Nội đã thành công tốt đẹp.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh:

Thưa các Quý vị và các bạn,

Sau năm phiên đối thoại và thảo luận sôi nổi và thực chất, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mekong với sự tham dự của Tổng thống và Thủ tướng các nước Mekong đã thành công tốt đẹp. Việc lần đầu tiên Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức một hội nghị riêng về khu vực Mekong là một minh chứng cho sự quan tâm và ủng hộ của WEF và cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đối với sự phát triển của các nước Mekong.

Thưa các Quý vị và các bạn,

Với chủ đề “Phát triển khu vực Mekong: Đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và kết nối”, Hội nghị WEF về khu vực Mekong đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với các nước Mekong như phát triển cơ sở hạ tầng, thương mại, đầu tư, thúc đẩy công nghiệp hóa và tăng trưởng bao trùm trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tại phiên bế mạc Hội nghị, tôi xin chia sẻ một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về tầm nhìn phát triển khu vựcMekong. Việc thành lập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và sự gia tăng liên kết kinh tế trong khu vực và toàn cầu đang mở ra không gian phát triển rộng lớn cho khu vực Mekong. Nhưng cùng với đó, khoảng cách phát triển và chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng, lao động chi phí thấp đang giảm dần lợi thế, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường ngày càng rõ rệt… Trong bối cảnh đó, một khu vực Mekong hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội không chỉ là lợi ích chung của các nước Mekong và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, mà còn đóng góp quan trọng vào thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng ASEAN và củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.

Thứ hai, phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. Tác động của biến đổi khí hậu cùng với khai thác quá mức tài nguyên và phân phối không đồng đều các thành quả của tăng trưởng kinh tế đang đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển của khu vực Mekong. Chúng tôi cho rằng việc tăng cường hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, là hết sức cần thiết. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác với các nước và các đối tác trong vấn đề này trên tinh thần bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của từng nước và cả khu vực Mekong.

Thứ ba, kết nối kinh tế khu vực đóng vai trò then chốt trong việc phát triển khu vực Mê Công thịnh vượng, trong đó các biện pháp quan trọng là kết nối cơ sở hạ tầng, liên kết kinh tế và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch.

- Kết nối hạ tầng giao thông cần được ưu tiên để phát triển thương mại, đầu tư, du lịch trong khu vực. Chúng tôi hoan nghênh nhiều ý tưởng được thảo luận tại Hội nghị về việc huy động tài chính cho kết nối giao thông trong khu vực Mekong, nhất là huy động vốn của khu vực tư nhân thông qua quan hệ đối tác công-tư. Về phần mình, Việt Nam sẵn sàng tạo thuận lợi cho các đối tác phát triển và các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đầu tư vào các hành lang kinh tế tiểu vùng, để đẩy mạnh kết nối kinh tế khu vực.

- Tăng cường liên kết kinh tế sẽ tạo cơ hội cho các nước Mekong phát huy các tiềm năng và lợi thế của mình, từ đó tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Các nước Mekong cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Mekong với thế giới.

- Về tạo thuận lợi thương mại, đầu tư và du lịch, việc dỡ bỏ các rào cản thương mại theo các thỏa thuận song phương và đa phương rất cần thiết để thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch giữa các nước Mekong với nhau và với các nước khác. Các nước Mekong cần tăng cường hợp tác thúc đẩy đơn giản hóa và hài hòa hóa các thủ tục qua biên giới, trong đó có việc áp dụng kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại các cửa khẩu.

Thứ tư, cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ mới thúc đẩy hoạt động kinh doanh dân chủ và bình đẳng hơn. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của các nước đang phát triển như các nước Mekong có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn. Để tranh thủ được các cơ hội này, chính phủ và các doanh nghiệp trong khu vực Mekong cần tập trung tạo dựng môi trường thuận lợi về khung khổ pháp lý và tài chính cho doanh nghiệp, nhất là cho khởi nghiệp và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng để tranh thủ cơ hội của cách mạng công nghiệp này, các nước Mekong không có con đường nào khác là đầu tư nhiều hơn cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, chứ không thể chỉ dựa vào tài nguyên và lao động chi phí thấp. Tôi tin rằng đây cũng là ý kiến chung của Hội nghị.

Cuối cùng, Hội nghị WEF về khu vực Mekong thực sự là một diễn đàn thiết thực để tăng cường quan hệ đối tác giữa các nước Mekong với các doanh nghiệp WEF và quốc tế. Thông qua Hội nghị này, Việt Nam mong muốn cùng với WEF tạo cơ hội thúc đẩy đối thoại và quan hệ đối tác công - tư rộng mở trong khu vực Mekong để phát triển khu vực này thực sự năng động, kết nối, có năng lực cạnh tranh cao và phát triển bền vững. Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với các nước Mekong triển khai các kết quả của Hội nghị.

Ngày mai sẽ diễn ra các Hội nghị Cấp cao ACMECS lần thứ 7 và CLMV lần thứ 8. Tại các Hội nghị Cấp cao, các nhà Lãnh đạo các nước Mekong sẽ xem xét các ý tưởng và khuyến nghị của các bạn tại Hội nghị này để đề ra các định hướng và chương trình hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển bền vững trong khu vực Mekong trong thời gian tới.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Ban Lãnh đạo WEF và các cộng sự về sự ủng hộ quý báu và phối hợp hiệu quả trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức Hội nghị. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả Quý vị và các bạn đã tham dự và đóng góp vào thành công của Hội nghị.

Xin cảm ơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục