Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết số lượng các nước có chiến lược ngăn ngừa nạn người dân tự tử đã tăng lên trong 5 năm qua kể từ khi báo cáo toàn cầu đầu tiên của WHO về vấn nạn này được công bố.
Thông tin trên được đưa ra một ngày trước Ngày Thế giới ngăn ngừa tự tử - ngày 10/9 hằng năm.
[Nhật Bản báo động tình trạng thanh thiếu niên tự sát tăng cao]
Phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ dẫn lời Tổng Giám đốc WHO, tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo cứ sau mỗi 40 giây, trên thế giới lại có một người chết vì tự tử.
Điều này đem lại bi kịch cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, trong khi tự tử lại có thể phòng ngừa được.
Do đó, WHO kêu gọi tất cả các nước kết hợp các chiến lược ngăn ngừa tự tử đã được kiểm chứng là có hiệu quả cao vào các chương trình giáo dục và y tế quốc gia một cách bền vững.
Tỷ lệ tự tử cao nhất là ở các nước thu nhập cao. Các cách tự tử phổ biến nhất là treo cổ, uống thuốc trừ sâu và dùng súng.
Tự tử là nguyên nhân hàng đầu thứ hai gây tử vong ở giới trẻ trong độ tuổi 15-29 tuổi.
Trong số thanh thiếu niên từ 15-19 tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong thứ hai ở nữ giới (sau nguyên nhân mang thai ở tuổi vị thành niên) và là nguyên nhân hàng đầu thứ ba gây tử vong ở nam sinh (sau chấn thương ở trên đường và bạo lực giữa các cá nhân).
Các biện pháp chính có hiệu quả trong việc giảm tự tử là hạn chế khả năng tiếp cận các phương tiện được sử dụng để tự tử; tăng cường giáo dục qua các phương tiện truyền thông, đưa ra các báo cáo về vấn nạn tự tử; thực hiện các chương trình giáo dục trong giới trẻ nhằm xây dựng các kỹ năng sống cho phép họ có thể xử lý được với những căng thẳng trong cuộc sống; xác định sớm và theo dõi những người có nguy cơ tự tử.
WHO đánh giá đã có những tiến bộ trong các hoạt động phòng chống tự tử ở một số quốc gia, nhưng các nước vẫn cần phải làm nhiều hơn nữa.
Tổng số nước có chiến lược ngăn ngừa tự tử quốc gia hiện chỉ có 38, vẫn còn quá ít và các chính phủ cần phải cam kết đưa ra các chiến lược này.
Báo cáo của WHO chỉ rõ để ngăn ngừa tự tử cần có sự kiểm soát, đăng ký và quản lý thuốc trừ sâu.
Hiện có nhiều bằng chứng quốc tế cho thấy các quy định cấm sử dụng thuốc trừ sâu có mức độ nguy hiểm cao có thể dẫn đến việc giảm tỷ lệ tự tử ở các quốc gia.
Điển hình là Sri Lanka, quốc gia ban hành một loạt lệnh cấm dẫn đến giảm 70% số vụ tự tử và ước tính 93.000 người được cứu sống trong giai đoạn 1995-2015.
Tại Hàn Quốc - nơi mà thuốc diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất trong các vụ tự sát trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 - lệnh cấm thuốc diệt cỏ vào năm 2011-2012 đã giúp giảm 50% số ca tử vong trong các năm từ 2011 đến 2013.
Ngoài ra, việc đăng ký kịp thời và theo dõi thường xuyên về vấn đề tự tử ở cấp quốc gia là nền tảng hiệu quả của các chiến lược phòng chống tự tử quốc gia.
Tuy nhiên, chỉ có 80 trong số 183 quốc gia thành viên của WHO trong năm 2016 cung cấp các dữ liệu chính xác.
Hầu hết các quốc gia không có dữ liệu là các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Việc giám sát tốt hơn sẽ tạo điều kiện cho các chiến lược ngăn ngừa nạn tự tử hiệu quả hơn và báo cáo chính xác hơn về những tiến bộ hướng tới các mục tiêu toàn cầu./.