Nhân ngày truyền thống “Thế giới phòng chống tự tử” (10/9), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ra báo cáo cho biết trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 800.000 người tự tìm đến cái chết bằng nhiều hình thức khác nhau bởi những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là thất vọng, không tìm được lối thoát cho những bế tắc trong cuộc sống.
Theo báo cáo trên, dù tự tử với bất cứ lý do gì, hành động này vẫn là bi kịch đối với gia đình, người thân, cộng đồng và xã hội. WHO lo ngại trước thực trạng những năm gần đây, số người tự tử ở độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi có chiều hướng tăng lên và phần lớn trường hợp đều sống tại những quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình.
Riêng ở châu Âu, có tới 17% số nạn nhân tự tử ở độ tuổi từ 10 đến 24 tuổi và Lithuania là quốc gia có tỷ lệ người tự tử cao nhất Lục địa già, với tỷ lệ 28 vụ trong 100.000 dân. Nếu tính trên toàn cầu, Kazakhstan và Turkmenistan là những nơi có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới.
Theo thống kê của WHO, một phần đáng kể những người tự tử hàng ngày phải đối mặt với chiến tranh, xung đột, đói nghèo, thiên tai, địch họa, hoặc bị đối xử không công bằng. Ngoài ra, có không ít nạn nhân là những người trầm cảm, có vấn đề về tâm lý, thậm chí cũng có những người tự tìm đến cái chết vì mê tín, dị đoan, thiếu hiểu biết về khoa học và cuộc sống tự nhiên.
Nhân dịp này, WHO kêu gọi các quốc gia thành viên đưa ra những chương trình phòng chống tự tử thật cụ thể, trong đó cần chú ý hạn chế hoặc nghiêm cấm sử dụng những phương tiện có thể gây chết người như độc dược, súng ống và các vật liệu nổ.
Ngoài ra, cũng cần có những biện pháp ngăn ngừa những hành động tự tử, cũng như có những phương tiện phòng chống thật hữu hiệu tại những nơi nhạy cảm như cầu cống, nhà cao tầng, đường giao thông./.