WMO khẳng định biến đổi khí hậu là yếu tố gây cháy rừng tại Australia

Nguồn tin Chính phủ Australia cho biết năm 2019 nước này khô hạn bất thường và điều kiện thời tiết như vậy có thể gây ra một mùa cháy rừng kéo dài và nghiêm trọng.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng tại New South Wales, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực khống chế các đám cháy rừng tại New South Wales, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), có trụ sở ở Geneva (Thụy Sĩ), ngày 7/1 khẳng định biến đổi khí hậu chắc chắn đóng một vai trò trong quá trình bùng phát cháy rừng ở Australia.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn WMO Clare Nullis nêu rõ, trong tháng 11/2019 - thời điểm bùng phát cháy rừng ở Australia, lượng mưa ở nước này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình.

Đây là tháng 11 khô hạn nhất ở Australia trong 120 tháng 11 kể từ năm 1900.

Bà Nullis dẫn nguồn tin Chính phủ Australia cho biết năm 2019 nước này khô hạn bất thường và điều kiện thời tiết như vậy có thể gây ra một mùa cháy rừng kéo dài và nghiêm trọng.

Ngày 19/12/2019 là ngày nóng nhất trong lịch sử Australia, với nhiệt độ trung bình lên tới 41,9 độ C trên cả nước.

WMO cảnh báo cháy rừng đã làm suy giảm chất lượng không khí ở Australia ở mức nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

[Lan truyền nhiều tin giả về cháy rừng ở Australia trên mạng xã hội]

Người phát ngôn WMO đồng thời cho biết khói cháy rừng ở Australia đã lan khắp Thái Bình Dương, bay xa hàng nghìn km tới các thành phố ở khu vực Nam Mỹ và có thể tới tận Nam Cực.

Hiện, bầu trời ở thành phố Auckland của nước láng giềng New Zealand đã biến thành màu da cam, trong khi màu trời ở Chile tại Nam Mỹ xa xôi đã bắt đầu chuyển sang màu xám mù mịt, và hoàng hôn ở thủ đô Buenos Aires của Argentina trở nên đỏ rực.

Cùng ngày 7/1, Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil cho biết khói mù từ Australia đã lan sang nước này.

Theo đó, các hình ảnh vệ tinh cho thấy các đám mây mù do khói cháy rừng ở quốc gia châu Đại dương đã bay tới bang Rio Grande do Sul ở cực Nam của Brazil.

Trong khi đó, công ty khí tượng tư nhân MetSul cũng báo cáo về khói bụi xuất hiện ở thành phố Porto Alegre, thủ phủ bang Rio Grande do Sul.

Trước đó, ngày 6/1, Cơ quan Khí tượng Chile cho biết ở Chile và Argentina có thể nhìn thấy khói cháy rừng Australia.

Điều này đồng nghĩa khói mù từ Australia bốc lên cao khoảng 6.000 mét đã bay xa hơn 12.000km tới Nam Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan trên cho rằng khói mù này không ảnh hưởng tới sức khỏe cư dân ở Nam Mỹ.

Australia đang phải hứng chịu một trong những thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử nước này.

Cháy rừng đã làm ít nhất 25 người thiệt mạng kể từ tháng 9/2019 và thiêu rụi hơn 8 triệu ha đất - gần bằng diện tích của Ireland hoặc bang Nam Carolina của Mỹ.

Hiện lực lượng cứu hỏa Australia, với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Mỹ và Canada, vẫn đang nỗ lực khống chế các đám cháy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục