Sau 4 trận của tuyển Bỉ ở World Cup 2018, dấu ấn mà ngôi sao Kevin De Bruyne để lại không rõ nét.
Đã có ý kiến cho rằng một mùa giải "kiệt sức" ở câu lạc bộ Manchester City ảnh hưởng không nhỏ tới phong độ của De Bruyne trên đất Nga. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia cho rằng những điều chỉnh về vị trí trên sân và các yêu cầu về di chuyển hỗ trợ phòng ngự của huấn luyện viên Roberto Martinez, cộng với sự kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, nên De Bruyne chơi chưa đúng sức.
Dấu ấn rõ nét nhất của De Bruyne đến lúc này là pha kiến tạo cực đẹp để Romelu Lukaku ghi bàn trong trận đấu đầu tiên của Bỉ ở vòng bảng. Đây là một pha kiến tạo thể hiện đẳng cấp và nhãn quan chiến thuật của De Bruyne.
Tuy nhiên, trong trận đấu sau đó ở vòng bảng, De Bruyne chơi nhạt nhòa trước Panama, còn trong trận với Anh, ngôi sao này không ra sân thi đấu.
Trở lại trong trận đấu với Nhật Bản, De Bruyne chính là ngôi sao đã có pha nước rút trong cự ly khoảng 60m trên sân để tạo ra pha phản công mẫu mực, giúp Nacer Chadli ghi bàn ấn định chiến thắng 3-2 đưa Bỉ vào tứ kết.
Nếu nhìn vào những đánh giá về phong độ của De Bruyne, có thể ngôi sao này chưa chơi tỏa sáng như khi anh khoác áo câu lạc bộ Manchester City. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, phong độ trong giai đoạn lượt về ở Ngoại hạng Anh của De Bruyne không thực ấn tượng, đây cũng chính là lý do khiến anh để tuột danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất giải vào tay Mohamed Salah.
Còn xét trên khía cạnh chiến thuật, De Bruyne là "trái tim" trong sơ đồ chiến thuật mà huấn luyện viên Pep Guardiola áp dụng cho Manchester City. Anh đã tham gia vào 1/4 trong tổng số 106 bàn thắng mà "The Citizen" ghi được trong mùa vừa qua. Anh được tự do di chuyển trên sân và gần như giao phó nhiệm vụ phòng ngự cho các tiền vệ trung tâm còn lại của đội.
[World Cup 2018: Brazil tiếp tục dùng "chim mồi" Neymar trước Bỉ]
Tuy nhiên, trong sơ đồ chiến thuật của Bỉ ở những trận đấu đã qua, việc huấn luyện viên Roberto Martinez bố trí De Bruyne chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm bên cạnh Axel Witsel được xem là nguyên nhân khiến cầu thủ này không thể phát huy tối đa các năng lực tấn công.
Dựa vào cách chơi của Bỉ trong các trận đấu vòng bảng và trước Nhật Bản, rõ ràng đội bóng châu Âu đang thiếu sáng tạo trong cách tổ chức tấn công. Thường thì các tình huống được giải quyết bằng những pha đưa bóng ra biên, rồi tổ chức tạt cánh đánh đầu dựa vào khả năng không chiến của Lukaku hay Fellaini.
Rõ ràng, khi để Nhật Bản dẫn trước 0-2, huấn luyện viên Martinez đã quyết định "chơi tất tay" khi tung vào sân cả Chadli và Fellaini. Từ đây, với việc đẩy De Bruyne chơi cao hơn, với nhiệm vụ hỗ trợ tấn công là chính, lối chơi của Bỉ đã có sức sống trở lại. Trong 25 phút kể từ sau khi thua bàn thứ 2, Bỉ đã có cuộc lội ngược dòng thành công nhất trong hàng chục năm qua.
Chiến thắng 3-2 của Bỉ đã đi vào lịch sử khi họ là đội ngược dòng được sau khi bị dẫn 2 bàn, lần cuối cùng thành tích này được lập là sau chiến thắng 3-2 của Tây Đức trước Anh ở vòng tứ kết World Cup 1970.
Rõ ràng, trước một Brazil đang có phong độ tốt ở World Cup năm nay, nếu Bỉ vẫn giữ cách bố trí sơ đồ như những trận đấu đã qua, cơ hội chiến thắng của họ sẽ không cao. Huấn luyện viên Martinez cần phải tính toán lại vì nếu để Brazil dẫn bàn trước, việc lội ngược dòng trước một hàng phòng ngự tới nay mới chỉ để thủng lưới đúng một bàn của Selecao là rất khó. Có lẽ đã tới lúc chiến lược gia người Tây Ban Nha này nên mạo hiểm bởi tấn công cũng là cách phòng ngự chiến thuật hiệu quả.
Một De Bruyne được "giải phóng" khỏi nhiệm vụ phòng ngự và luôn có cơ hội áp sát vòng cấm địa đối phương sẽ khiến hàng tiền vệ và hậu vệ Brazil phải dè chừng./.