World Cup 2018: Đội tuyển nào gây thất vọng nhất sau loạt trận đầu?

Khi mọi anh tài đã phô diễn năng lực của họ trên đấu trường thế giới, hãy cùng điểm lại đội bóng nào đã gây ra nỗi thất vọng lớn tính đến ngày 20/6.
World Cup 2018: Đội tuyển nào gây thất vọng nhất sau loạt trận đầu? ảnh 1Cầu thủ Thomas Muller của đội tuyển Đức thể hiện sự thất vọng trong trận đấu với Mexico. (Nguồn: Getty)

Lượt đấu đầu tiên của World Cup 2018 đã kết thúc với đầy đủ cung bậc cảm xúc; Trong đó, những nỗi thất vọng là thứ gia vị không thể thiếu cho bữa tiệc bóng đá tại nước Nga.

Khi mọi anh tài đã phô diễn năng lực của họ trên đấu trường thế giới, hãy cùng điểm lại đội bóng nào đã gây ra nỗi thất vọng lớn tính đến ngày 20/6.

1. Đức

Không nghi ngờ gì nữa, các nhà đương kim vô địch chính là đội tuyển làm đau lòng người hâm mộ nhất, không chỉ người Đức mà cả các khán giả trung lập.

Là ứng cử viên cho ngôi vị quán quân duy nhất bị đánh bại ở lượt trận ra quân, nhưng huấn luyện viên Joachim Loew và các học trò đã thể hiện lối chơi không đúng tầm của một đội bóng lớn.

Thất bại 0-1 trước Mexico ở trận khai màn bảng F cho thấy Đức mắc nhiều sai lầm về chiến thuật. Trong thời điểm khó khăn, huấn luyện viên Loew cũng không có giải pháp nào đáng chú ý ngoài trung thành với lối chơi vốn đã bị Mexico hóa giải chỉ sau khoảng 30 phút thăm dò. Bên cạnh đó, rất nhiều trụ cột của "Cỗ xe tăng" không có được phong độ tốt.

Sau trận đấu, trung vệ Matt Hummels thẳng thắn chỉ trích các đồng đội thi đấu thiếu kỷ luật, khiến anh và người đá cặp Jerome Boateng phải chịu trận.

Tuy nhiên, vẫn chưa có gì chứng minh đó chỉ là sự thiếu kỷ luật của các cá nhân, hay sự sắp xếp đội hình của ông Loew khiến họ không tôn trọng lối chơi tập thể.

Dù thế nào, Die Mannschaft đã bộc lộ sự chủ quan, không hiểu đối thủ và thiếu phương án dự phòng. Và đây mới là điều gây thất vọng lớn hơn một kết quả 0-1.

2. Pháp

Chiến thắng nhiều khi không nói lên chất lượng thật sự trong thể thao. Tuy Pháp hạ Australia với tỉ số 2-1, họ đã phơi bày ra một tập thể tầm thường, chứ không phải một đội bóng có tiềm năng vô địch.

Trên thực tế, Les Bleus đã gặp may mắn trong cả 2 bàn thắng. Tình huống phạt đền dành cho họ cũng có thể được trọng tài diễn giải theo cách khác. Còn bàn thắng thứ 2, bóng chạm chân cầu thủ Australia khiến đường đi trở nên quá khó cản phá.

Thắng là vậy, nhưng tuyển Pháp chưa có một lối tấn công nào rõ rệt. Dù sở hữu nhiều hảo thủ ở tuyến trên, việc duy nhất họ làm được là chuyền ban qua lại ngoài vòng cấm.

Ở trận đấu đó, các tuyển thủ Australia chỉ cần giữ vững cự ly phòng thủ là dễ dàng đánh bật các pha lên bóng của đối phương. Họ thậm chí còn khiến "những chú gà trống Gaulois" mất bóng đến 15 lần.

Có cảm tưởng, mỗi khi chuyền bóng xong, 5 cầu thủ tấn công của Pháp không biết tìm vị trí thích hợp để di chuyển tiếp, khiến người cầm bóng rất khó để ra quyết định phối hợp.

Thực tế đã cho thấy huấn luyện viên Didier Deschamps chưa phải là nhà cầm quân cao tay. Ông sẽ gặp khó với các đội bóng kiên nhẫn phòng thủ. Có lẽ ngay lúc này, Deschamps sẽ mong muốn gặp một đội bóng mạnh để thể hiện lối chơi phản công, như những gì ông làm trước Đức ở EURO 2016.

3. Saudi Arabia

Đại diện châu Á đã lộ diện là đội tuyển tệ nhất giải. Không chỉ tệ nhất, trình độ của tập thể này cũng có khoảng cách quá xa với các đội còn lại.

Có thể nói, kể từ chính Saudi Arabia tại World Cup 2002 (thủng lưới 12 lần, không ghi được bàn thắng nào), Vòng chung kết Cúp bóng đá thế giới mới lại chứng kiến chất lượng thi đấu thấp như vậy.

Thất bại trước Nga là kết cục đã được dự đoán từ trước, mặc dù đội bóng Tây Á có thứ hạng cao hơn đội chủ nhà trên bảng xếp hạng FIFA. Nhưng cách các cầu thủ Nga quá dễ dàng tìm được đường vào khung thành đối phương lại là một câu chuyện khác.

Tuy khởi đầu trận khai mạc khá ấn tượng với lối chơi ban bật nhỏ gợi nhớ lại câu lạc bộ Barcelona, Saudi Arabia chỉ làm được điều đó ở khoảng cách trên 40m từ chỗ đứng của thủ thành Igor Akinfeev.

Họ phô diễn những pha phối hợp nhỏ tương đối vô nghĩa ngay cả khi không có sức ép từ hàng thủ Nga. Họ cố gắng đẩy tốc độ lên cao ngay từ đầu, để rồi xuống sức cũng rất nhanh trong hiệp 2.

Tuy có kỹ thuật cơ bản rất tốt (thậm chí vượt trội nhiều tuyển thủ chủ nhà), nhưng cầu thủ Saudi Arabia yếu sức rướn, yếu sức mạnh tranh chấp và chọn vị trí rất kém.

Sau trận mở đầu, phản ứng của khán giả trên mạng xã hội với Saudi Arabia vô cùng tiêu cực. Phần lớn đặt dấu hỏi về độ xứng đáng dự giải của gương mặt tới từ châu Á này.

Đã có sự lo ngại nhất định, khi World Cup 2026 sẽ tăng số đội dự giải lên 48. Và khi đó, chất lượng thi đấu thấp như vậy có thể sẽ tái diễn trên sân khấu bóng đá lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Croatia đang viết tiếp giấc mơ còn dang dở năm 1998. (Nguồn: THX/TTXVN)

World Cup 2018: Điều kỳ diệu của bóng đá Croatia

Croatia đã làm nên lịch sử khi lần đầu tiên góp mặt ở một trận chung kết World Cup sau khi vượt qua đội tuyển Anh trong thời gian đá hiệp phụ, qua đó viết tiếp giấc mơ còn dang dở năm 1998.