WTO: Nước Anh sẽ tiếp tục ở lại trong GPA thời kỳ hậu Brexit

Quan chức Anh thông báo đã đạt được thỏa thuận tiếp tục ở lại trong Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu.
WTO: Nước Anh sẽ tiếp tục ở lại trong GPA thời kỳ hậu Brexit ảnh 1Đại sứ Anh tại WTO Julian Braithwaite. (Nguồn: thestar.com.my)

Quan chức Anh ngày 27/2 thông báo đã đạt được thỏa thuận tiếp tục ở lại trong Hiệp định Mua sắm Chính phủ (GPA) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Vương quốc Anh là một thành viên ký GPA và có quyền tiếp cận thị trường mua sắm công trị giá 1.700 tỷ USD.

Trước đó, hồi tháng 11/2018, các nhà ngoại giao đã nhất trí trên nguyên tắc về tư cách thành viên của nước Anh hậu Brexit, cho rằng sẽ cần có một số thay đổi nhỏ và các thành viên GPA đều quan tâm giữ London tiếp tục ở lại trong hiệp định.

Trong một tuyên bố, phái đoàn Vương quốc Anh tại WTO cho biết nếu một thỏa thuận về Brexit đạt được, nước Anh sẽ tiếp tục là thành viên trong GPA theo các điều khoản hiện hành với tư cách là một thành viên của EU trong giai đoạn chuyển tiếp.

[Brexit không thỏa thuận chỉ diễn ra vào 29/3 nếu Quốc hội Anh cho phép]

Tuy nhiên, nếu Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận nào, nước này sẽ tự động trở thành một thành viên độc lập trong vài tuần và điều này đã nhận được sự nhất trí giữa các thành viên GPA.

Trao đổi với báo giới, Đại sứ nước Anh tại WTO Julian Braithwaite nhấn mạnh quyết định trên đã nêu bật quyết tâm của của London trong việc giảm thiểu bất kỳ sự gián đoạn dù rời khỏi EU.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox đánh giá đây là một "chiến thắng quan trọng" về mặt ngoại giao của nước Anh, và sẽ giúp đảm bảo để các doanh nghiệp Anh có thể tiếp tục dự thầu trong các hợp đồng mua sắm công.

Được ký kết vào năm 1994, GPA - bao gồm các nền kinh tế lớn như EU, Mỹ, Canada và Nhật Bản - hướng tới mở cửa nhiều nhất có thể các thị trường mua sắm công và cho phép cạnh tranh nước ngoài trong các dự án chính phủ, đảm bảo mua sắm trở nên minh bạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.