WTO: Thương mại thế giới ổn định và tăng trưởng "tốt hơn dự báo"

WTO cho biết tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng Tư năm ngoái và cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây cho các kịch bản bi quan hơn.
Vận chuyển lúa mỳ tại một khu chợ ở ngoại ô Amritsar (Ấn Độ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thương mại toàn cầu năm 2022 ổn định và tăng trưởng tốt hơn so với dự báo, do các nền kinh tế chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine tìm được các nguồn cung ứng hàng hóa thay thế.

Theo đánh giá của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đưa ra ngày 23/2, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2022 cao hơn mức dự báo 3% mà cơ quan này đưa ra hồi tháng Tư năm ngoái, và cao hơn đáng kể so với ước tính trước đây cho các kịch bản bi quan hơn đối với năm 2022.

Các dự báo mới của WTO cho thấy tầm quan trọng của việc củng cố hệ thống thương mại đa phương đối với triển vọng dài hạn, trong đó các nước kém phát triển nhất có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu hợp tác quốc tế bị phá vỡ.

Một năm “đa khủng hoảng”

Cuối năm ngoái, nhà sử học Adam Tooze đã gọi năm 2022 là một năm “đa khủng hoảng.”

Trái với kỳ vọng chứng kiến nền kinh tế thế giới hồi phục sau đại dịch COVID-19, năm 2022 lại được đánh dấu bằng một cuộc xung đột mới, lạm phát cao kỷ lục và các thảm họa liên quan đến khí hậu.

Cuộc xung đột tại Ukraine xảy ra đã khiến giá năng lượng và lương thực tăng vọt. Nhiều quốc gia hiện đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do tiền lương không theo kịp lạm phát, buộc các hộ gia đình phải siết chặt chi tiêu.

Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất, dẫn đến nguy cơ đẩy các quốc gia vào suy thoái nghiêm trọng vì lãi suất cao hơn đồng nghĩa hoạt động kinh tế chậm lại.

[Kinh tế thế giới vẫn oằn mình từ tác động của xung đột Nga-Ukraine]

Ở thời điểm hiện tại, một năm sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, nền kinh tế toàn cầu được cho là vẫn đang “oằn mình” gánh chịu hậu quả nặng nề như nguồn cung ngũ cốc, phân bón và năng lượng toàn cầu bị hạn chế, cùng với lạm phát gia tăng và rủi ro suy thoái kinh tế ngày một lớn.

Mặc dù tác động của xung đột vẫn ảm đạm như vậy, nhưng các công ty và quốc gia phát triển đã tỏ ra kiên cường một cách đáng ngạc nhiên. Cho đến nay, đa số nhóm này vẫn tránh được kịch bản tồi tệ nhất là suy thoái kinh tế.

Thương mại toàn cầu "đã duy trì tốt"

Theo đánh giá đưa ra ngày 23/2 của WTO, thương mại toàn cầu "đã duy trì tốt" khi đối mặt với cuộc xung đột Nga-Ukraine, những dự đoán tồi tệ nhất khi cuộc xung đột mới bùng phát đã không xảy ra.

Nhà kinh tế trưởng Ralph Ossa nhận định những dự báo về giá lương thực tăng cao và thiếu hụt nguồn cung đã không thành hiện thực nhờ sự cởi mở của hệ thống thương mại đa phương và sự hợp tác của các chính phủ đã cam kết tại WTO.

Các đối tác thương mại đã tìm thấy các nguồn thay thế để lấp đầy khoảng trống cho hầu hết nguồn cung các sản phẩm bị ảnh hưởng do cuộc xung đột, trong đó có lúa mỳ, ngô, nhiên liệu và nguyên liệu hiếm...

Giá các loại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề vì cuộc khủng hoảng tăng ít hơn những dự báo được đưa ra khi cuộc xung đột bùng phát. Điển hình: Giá lúa mỳ tăng 17%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 85% mà WTO dự đoán với loại lương thực này tại một số khu vực có thu nhập thấp.

Thu hoạch ngũ cốc trên cánh đồng ở Melitopol, vùng Zaporizhzhia (Ukraine). (Ảnh: AFP/TTXVN)

WHO cho biết khi xuất khẩu của Ukraine giảm 30% về giá trị trong năm 2022, nhiều nền kinh tế châu Phi phải điều chỉnh mô hình tìm nguồn cung ứng.

Ethiopia, vốn dựa vào Ukraine và Nga để nhập khẩu 45% lúa mỳ, đã tăng cường mua mặt hàng này từ các nước khác như Mỹ và Argentina. Ai Cập cũng thay thế lúa mỳ từ Ukraine bằng hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Mỹ và Nga.

Một số quốc gia trước đây phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ukraine cũng đã chuyển đổi lương thực nhập khẩu, chẳng hạn như chuyển từ lúa mỳ sang gạo.

WTO cho biết xuất khẩu của Nga đã tăng 15,6% về giá trị do giá các mặt hàng tăng, đặc biệt là nhiên liệu, phân bón và ngũ cốc. Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu của Nga có thể đã giảm nhẹ.

Mới đây, một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế thế giới đã vượt qua xung đột. Sự lạc quan chiếm ưu thế tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm nay tại Davos, trong khi thị trường tài chính dự báo các nền kinh tế tiên tiến có thể tránh được suy thoái toàn diện.

Trong Bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 1/2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo xu hướng tăng trưởng toàn cầu giảm tốc từ 6,2% năm 2021 xuống 3,4% năm 2022 và 2,9% năm 2023 - tương đương với khoảng 1.000 tỷ USD bị mất đi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục