Chủ trương xã hội hóa việc viết sách giáo khoa theo hướng một chương trình, nhiều bộ sách đang nhận được sự quan tâm của công luận. Theo đó, sau năm 2015, thay vì chỉ duy nhất một bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo như hiện nay, các tổ chức, cá nhân cũng có thể tham gia viết sách, và theo đó, sẽ có nhiều loại sách giáo khoa khác nhau cho học sinh, giáo viên lựa chọn. Khung chương trình sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và nội dung sách sẽ được Bộ thẩm định trước khi được áp dụng vào các nhà trường.
Tranh luận hai phương án
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra hai phương án. Ở phương án một, Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ sách giáo khoa, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác, nhất là sách giáo khoa cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Phương án hai là Bộ sẽ chỉ biên soạn các sách giáo khoa mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn.
Hai phương án này đã ngay lập tức được dư luận xã hội bàn luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều. Giáo sư Trần Đình Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng, nếu Bộ cũng biên soạn một bộ sách thì chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa sẽ sụp đổ. Theo vị giáo sư này, các tổ chức, cá nhân sẽ rất khó cạnh tranh với sách của Bộ, nhất là về mặt uy tín, thương hiệu và tính chính thống.
Giáo sư Nguyễn Khắc Phi, nguyên Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục, cũng cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên tham gia vì hiện nay có rất nhiều nhà xuất bản khác có uy tín có thể đảm đương như Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội… Giáo sư Nguyễn Lân Dũng thì đề xuất nên có sự phối hợp của các hội chuyên ngành vì họ có kiến thức chuyên môn tốt.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì ví von việc Bộ tham gia viết sách sẽ dẫn đến tình trạng như doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh, việc cạnh tranh là khó bình đẳng khi nguồn vật lực và nhân lực của quốc doanh sẽ mạnh hơn ngoài quốc doanh. Vì thế, vị nguyên đại biểu Quốc hội này cho rằng, nếu Bộ vẫn biên soạn sách thì có thể chỉ soạn những môn cơ bản, các môn xã hội có tính định hướng.
Một vấn đề khác khiến các nhà giáo dục lo ngại là các sách giáo khoa do các cá nhân, tổ chức ngoài Bộ soạn thảo sẽ không được các nhà trường lựa chọn. “Nếu sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thì đương nhiên các sở trực thuộc sẽ chọn sách của Bộ, các phòng giáo dục chọn theo sở, các trường chọn theo phòng giáo dục. Khi đó, việc xã hội hóa sách giáo khoa sẽ chỉ là hình thức,” giáo sư Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục phân tích.
Với những phân tích trên, giáo sư Hạc cho rằng, khi đó, một chủ trương tưởng sẽ huy động được nhân lực và vật lực, tiền của và trí tuệ của xã hội sẽ phản tác dụng và làm mất đi nhiệt huyết của những người muốn tham gia viết sách. Ông Hạc cũng đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo phải quy định rõ ai sẽ là người có quyền chọn sách, học sinh, giáo viên, hiệu trưởng hay là cơ quan quản lý cấp phòng, sở giáo dục và đào tạo?
Đánh mất lòng tin của người làm sách cũng là lo lắng của phó giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh. Theo giáo sư Cương, sẽ có một vấn đề rất nhạy cảm nảy sinh là Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ kiểm duyệt thế nào. “Nếu tôi là người làm sách, tôi sẽ phải thuê người viết. Nếu làm cả bộ sách thì phải thuê đến vài chục người. Nhưng không có gì đảm bảo là tôi làm sách xong thì Bộ sẽ thông qua. Nếu Bộ không duyệt thì tôi lấy đâu ra tiền để trả công người viết?”
Phải đặt quyền lợi người học lên trên hết
Tuy lo lắng về các vấn đề phát sinh trong quá trình xã hội hóa sách giáo khoa, nhưng phó giáo sư Văn Như Cương cũng cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một bộ sách giáo khoa của mình. Đây cũng là ý kiến của phó giáo sư Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội. Theo bà Đan, việc có nhiều bộ sách giáo khoa là vấn đề rất mới nên Bộ cần chủ trì biên soạn một bộ sách làm nòng cốt.
Phân tích cụ thể hơn, giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy băn Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, trong quá trình xây dựng chương trình, triển khai thử nghiệm chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải biên soạn các tài liệu để sử dụng. Tài liệu này chính là nền tảng, tiền đề của các sách giáo khoa sau thử nghiệm.
“Như vậy, không có lý gì sau khi áp dụng thành công chúng ta lại bỏ đi các tài liệu đó, rất lãng phí. Mặt khác, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo không chủ động biên soạn sách sẽ dẫn đến việc rơi vào thế bị động, phải phụ thuộc vào các cá nhân, tổ chức biên soạn sách bên ngoài. Có thể khi triển khai đề án ở mức đại trà rồi mà vẫn chưa có sách đạt chất lượng. Đây là điều không thể chấp nhận với một đề án quan trọng, mang tầm quốc gia,” ông Thi nói.
Thừa nhận việc sẽ có những bất bình đẳng nhất định trong cạnh tranh giữa sách giáo khoa của Bộ và sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân khác, nhưng ông Thi cho rằng, phải đặt quyền lợi của doanh nghiệp thấp hơn quyền lợi của người học. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa là để phát triển giáo dục, biên soạn sách giáo khoa là để phục vụ tốt nhất cho người học, vì thế, chọn phương án nào phải đặt quyền lợi của học sinh là trên hết để cân nhắc.
Theo giáo sư Thi, việc Bộ soạn thảo hoặc chịu trách nhiệm trong việc soạn thảo một bộ sách là cần thiết. Để công bằng hơn thì có thể Nhà nước sẽ không cấp ngân sách trong việc biên soạn sách giáo khoa của Bộ.