Xác định nguyên nhân của vệt nước màu vàng hồng trên biển Quảng Bình

Kết luận cuối cùng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho thấy tảo là “thủ phạm” tạo ra vệt nước màu vàng hồng vào sáng 10/4 trên vùng biển ven bờ ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch.
Xác định nguyên nhân của vệt nước màu vàng hồng trên biển Quảng Bình ảnh 1(Ảnh minh họa: Thế Lập/TTXVN)

Kết luận cuối cùng của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho thấy tảo là “thủ phạm” tạo ra vệt nước màu vàng hồng vào sáng 10/4 trên vùng biển ven bờ ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình, nhận được phản ánh của chính quyền xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch về vụ việc, Sở đã phối hợp với các đơn vị chức năng có mặt kịp thời để kiểm tra và lấy mẫu.

Tại thời điểm kiểm tra, vệt nước này không kéo dài liên tục mà xuất hiện theo từng khu vực với tổng chiều dài khoảng 500m, rộng khoảng 20m.

Kết quả kiểm tra bằng cảm quan cho thấy, không có váng dầu mỡ mà tồn tại dạng vật chất phân tán khi bám vào tay hoặc dạt lên bờ biển có dạng hạt liti màu đỏ trong.

Mẫu nước chứa vật chất nói trên đã được Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu hóa lý được xác định đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ (QCVN 10:2015/BTNMT).

[Xác định nguyên nhân xuất hiện vệt nước đỏ tại vùng biển Kỳ Anh]

Chỉ tiêu amoni vượt 58 lần giới hạn cho phép, trong khi mẫu nước biển lấy tại khu vực ngoài phạm vi vệt nước màu vàng hồng cùng thời điểm được phân tích để đối chứng đã không phát hiện được hàm lượng amoni.

Tiếp tục kiểm tra, phân tích hình ảnh mẫu vật khi soi dưới kính hiển vi và thông số amoni được xác định nói trên, cơ quan chức năng nhận thấy hiện tượng nước biển có màu đỏ này trùng hợp với nguyên nhân hiện tượng nước có màu đỏ đã từng xuất hiện trước đó tại một số khu vực ven biển khác do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

Đó là hiện tượng bùng phát mật độ rất cao của tảo Noctiluca scintillans mà khoa học gọi là sự nở hoa của nước.

Tảo Noctiluca scintillans là loài sống tự do, không ký sinh, có khả năng phát quang sinh học khi bị khuấy động do trong tế bào chất của chúng có phản ứng luciferin-luciferase trong hàng ngàn bào quang dạng hình cầu, được gọi là scintillons.

Loài tảo này không có khả năng quang hợp, hình thức dinh dưỡng của chúng theo kiểu thực bào với nguồn thức ăn là các loài sinh vật phù du, tảo silic, tảo hai roi, trứng cá và vi khuẩn...

Màu của tảo phụ thuộc vào vi khuẩn cộng sinh bên trong tế bào; trong đó, tảo màu đỏ thường phân bố ở khu vực biển phía Bắc Việt Nam, tảo màu xanh thường phân bố ở khu vực Tây Nam Bộ và vịnh Thái Lan.

Sự tập trung cao các sinh vật phù du khác là nguồn thức ăn của loài tảo này. Các sinh vật phù du khác phát triển do điều kiện môi trường thuận lợi như: hỗn hợp vùng nước giàu dinh dưỡng, nhiệt độ môi trường thích hợp và các yếu tố lưu thông theo mùa dẫn đến bùng nổ số lượng lớn Noctiluca scintillans gây hiện tượng màu nước đỏ và mức độ đậm, nhạt tùy theo mật độ, giai đoạn phát triển của tảo.

Loài tảo này không sinh độc tố sinh học nên không có nguy cơ gây ngộ độc cho người hay thủy sản. Ở mật độ cao, loài tảo này chúng có khả năng tích tụ amonia với hàm lượng cao rồi giải phóng vào môi trường nước, có thể gây tình trạng cạn kiệt ôxy trong nước.

Tảo Noctiluca scintillans là loài gặp phổ biến ở ven biển Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, thường phát triển mạnh, gây đổi màu nước trong giai đoạn giao mùa Xuân-Hè, khi gặp môi trường nước phù hợp, giàu dinh dưỡng và dồi dào thức ăn.

Hiện tượng nước ven biển tại xã Quảng Đông đổi màu vàng hồng đã giảm mạnh từ sáng 11/4. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình vẫn đang tiếp tục theo dõi và phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiên cứu xem xét về diễn biến của hiện tượng nước đổi màu.

Trước đó, vào chiều tối 10/4, qua kiểm tra ban đầu bằng cảm quan của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cộng với các thông tin do người dân cung cấp về hiện tượng nước biển ven bờ đổi màu vàng hồng vẫn diễn ra hàng năm vào mùa khuyếc (có nơi gọi là ruốc biển sinh sản), cơ quan chức năng nhận định có thể do loại ruốc này đã gây nên hiện tượng nước ven biển đổi màu vàng hồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục