Xác định tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết để xếp hạng đầu bếp Việt Nam

Đội ngũ những người làm du lịch tâm huyết luôn trăn trở, tìm nhiều cách để nâng cao hơn nữa vai trò của người đầu bếp, cổ vũ họ tiếp tục chế biến được nhiều hơn các món ăn đặc sắc.
Các đầu bếp chuyên nghiệp tham dự một cuộc thi ẩm thực. (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Phát biểu tại hội thảo "Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật nghề chế biến món ăn" tổ chức ngày 20/11 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình đánh giá du lịch Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn du khách quốc tế, trong đó có ẩm thực, nhưng lại chưa được chú trọng khai thác hiệu quả.

Hội thảo do Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA), Hội Đầu bếp Việt Nam (VICA) tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế du lịch Việt Nam (VITM).

Theo ông Vũ Thế Bình, ẩm thực Việt Nam đã tạo được dấu ấn với các giải thưởng tầm châu lục, được báo chí quốc tế ca ngợi.

Để có được những món ăn ngon, hấp dẫn, phải nhấn mạnh vai trò của người đầu bếp. Chế biến món ăn là một nghề đặc biệt nhưng trong một thời gian dài không được coi trọng. Những năm gần đây, quan niệm xã hội cũng đã thay đổi, nghề đầu bếp dần dần được đánh giá cao, thậm chí là nghề tiêu biểu. Đầu bếp giỏi nghề được nhiều khách sạn tên tuổi mời làm việc lâu dài.

Đội ngũ những người làm du lịch tâm huyết luôn trăn trở, tìm nhiều cách để nâng cao hơn nữa vai trò của người đầu bếp, cổ vũ họ tiếp tục chế biến được nhiều hơn các món ăn đặc sắc, đủ sức chinh phục thực khách thế giới.

Theo ông Vũ Thế Bình, Việt Nam hiện có khoảng 50.000 đầu bếp trực tiếp quản lý bếp ăn ở nhà hàng, khách sạn lớn, ngoài ra còn hơn 100.000 đầu bếp khác. Số lượng đầu bếp là rất lớn, nhiều người đã được vinh danh với nhiều giải thưởng danh giá nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có tiêu chuẩn rõ ràng, chi tiết để xác định, đánh giá, xếp hạng các bậc nghề đầu bếp. Do đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tiến hành nghiên cứu, đưa ra các tiêu chí để xếp hạng để có đội ngũ đạt chuẩn.

[Chiến dịch cộng đồng lan tỏa tình yêu với ẩm thực vùng miền]

Tại hội thảo, Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam Nguyễn Thường Quân đã trình bày dự thảo tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật với nghề chế biến món ăn chi tiết cho 7 bậc ở cả mặt lý thuyết và thực hành.

Kèm theo đó là tiêu chuẩn dành cho các vị trí phổ biến của nghề chế biến món ăn như: thủ kho, phụ bếp, đầu bếp chính sơ chế, chế biến nước dùng, xốt; đầu bếp chính bếp Á, bếp Âu, bếp tiệc…

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), ngành du lịch Việt Nam đã hình thành, phát triển được 60 năm, dần trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

Nếu như năm 1990, Việt Nam mới chỉ đón khoảng 250.000 lượt khách quốc tế, đến năm 2019 đã đón 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa. Trong quá trình phát triển, có những giai đoạn đầy khó khăn, thức thức do suy thoái kinh tế toàn cầu, dịch bệnh… nhưng du lịch vẫn mở rộng được thị trường, kéo theo đó là sự gia tăng của hệ thống dịch vụ ẩm thực, cung cấp đồ ăn, uống cho du khách.

Tổng cục Du lịch xác định ẩm thực là yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên chất lượng, thương hiệu du lịch nhằm thu hút du khách, tạo doanh thu, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Tổng cục Du lịch đã tiến hành nhiều chương trình tuyên truyền, quảng bá về ẩm thực Việt Nam bằng nhiều hình thức, tập trung tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Pháp, Australia, Đông Nam Á, gần đây là thị Đài Loan (Trung Quốc)... Sản phẩm du lịch liên quan đến ẩm thực đã được thực hiện từ nhiều năm, trong đó chương trình du lịch dạy nấu ăn đã trở thành một nội dung trong tour du lịch, tạo trải nghiệm đặc biệt cho du khách.

Thay vì vào nhà hàng, họ tự tay chế biến, thưởng thức thành quả của mình dưới sự hướng dẫn của các đầu bếp, nghệ nhân nổi tiếng. Đây là loại hình du lịch không mới nhưng rất thu hút khách quốc tế, vừa góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam, tăng thêm trải nghiệm cho du khách./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục