Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu

Dự án sẽ xây dựng bộ chỉ số và thống nhất bảng ma trận để thử nghiệm ở 5 thành phố là Lào Cai, Uông Bí, Hội An, Gia Nghĩa và Cà Mau.
Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Chiều 4/9, tại Hà Nội, Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Quỹ Rockefeller, Quỹ châu Á, Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội tổ chức hội thảo giới thiệu Dự án Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam (dự án VN-CPI).

Theo Cục Phát triển đô thị, Đề án "Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020" đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2623/QĐ-TTg. Dự án Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam là một trong những nội dung của đề án này.

Bộ Xây dựng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện; trong đó, Cục Phát triển đô thị được Bộ Xây dựng phân công là cơ quan đầu mối thúc đẩy tổ chức thực hiện đề án.

Cục Phát triển đô thị đã phối hợp với Quỹ châu Á và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội triển khai Dự án xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016 nhằm tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự án sẽ xây dựng bộ chỉ số và thống nhất bảng ma trận để thử nghiệm ở 5 thành phố là Lào Cai, Uông Bí, Hội An, Gia Nghĩa, Cà Mau. Tiếp đó, dự án nhận rộng áp dụng bộ chỉ số tại các thành phố được xác định trong Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020. Sau cùng, dự án sẽ xây dựng các khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị và đóng vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng.

Đề cập đến khai niệm khả năng chống chịu của đô thị, ông Trần Văn Giải Phóng (Viện ISET) cho rằng, đó chính là khả năng của các cá nhân, cộng đồng, tổ chức, doanh nghiệp và các hệ thống của một đô thị để tồn tại, thích ứng, phát triển trước những áp lực cố hữu hay cú sốc đột biến khác nhau. Khả năng chống chịu của thành phố gồm 4 khía cạnh: sức khỏe và phúc lợi; kinh tế và xã hội; hạ tầng và môi trường; sự lãnh đạo và chính sách. Khung khả năng chống chịu của thành phố gồm 12 yếu tố thúc đẩy, tổng hợp lại để quy định khả năng chống chịu của thành phố trước một loạt cú sốc và áp lực… Mỗi yếu tốt này lại được tạo bởi 3- 6 chỉ số.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đây là công việc khó, đề cập đến nhiều chỉ số khác nhau, liên quan đến nhiều khía cạnh. Bên cạnh các chỉ số chung cho các đô thị thì bộ chỉ số cũng phải có những chỉ số riêng, phù hợp với yếu tố đặc thù từng vùng, miền, khu vực đô thị. Các yếu tố đặc thù này sẽ tác động khác nhau lên từng đô thị do vậy bộ chỉ số cũng phải có những chỉ số phù hợp với đô thị.

Đồng tình với quan điểm này, tiến sỹ Michael Digregorio (Quỹ châu Á tại Việt Nam) cho biết dự án lựa chọn các thành phố thí điểm dựa trên sự khác biệt của các thành phố đó. Việc xây dựng bộ chỉ số cũng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc vừa đồng nhất cho các đô thị nhưng cũng có những chỉ số riêng biệt cho thành phố đặc thù. Bộ chỉ số hữu ích trong việc so sánh các thành phố với nhau, vừa gia tăng khả năng chống chịu của từng thành phố. Hiện có nhiều bộ chỉ số khách nhau liên quan đến phát triển đô thị, do vậy dự án sẽ cố gắng chia sẻ thông tin càng nhiều càng tốt với các dự án khác đang triển khai.

Trước lo ngại bộ chỉ số sẽ chỉ là “nói cho vui”, nhiều đại biểu đề xuất cần pháp luật hóa bộ chỉ số này. Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho hay, mục tiêu đặt ra là Dự án Xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu tại Việt Nam sau đó sẽ trở thành bộ công cụ kiểm soát, đồng thời hỗ trợ các đô thị đánh giá khả năng chống chịu với rủi ro từ thiên tai và biến đối khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục