Xây dựng các bến cảng tại Dung Quất ngang tầm trong khu vực

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi chọn nhà đầu tư thật sự có năng lực, phát triển các bến cảng Dung Quất ngang tầm các cảng biển lớn ở khu vực.
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Ngày 18/9, tại buổi làm việc với Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã đề nghị Ban quản lý rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cảng biển tại Khu kinh tế Dung Quất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các doanh nghiệp; chọn nhà đầu tư thật sự có năng lực để đầu tư bến cảng container tại Khu kinh tế Dung Quất, đầu tư các hạ tầng kỹ thuật liên quan, phấn đấu phát triển các bến cảng tại Dung Quất ngang tầm với các cảng biển lớn trong khu vực.

Đây được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các cảng tại Dung Quất và việc đầu tư bến cảng của các doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Viết Chữ cũng yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tại các bến cảng Dung Quất, đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của các doanh nghiệp. Cần quản lý chặt chẽ giá dịch vụ tại cảng, cũng như việc đầu tư các dịch vụ phục vụ nhu cầu của chủ tàu, thủy thủ.

[Quảng Ngãi phát triển cảng nước sâu Dung Quất phục vụ công nghiệp]

Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục đổi mới, thực hiện tốt hơn trong quy trình, thủ tục hành chính đối với việc tiếp nhận, xuất nhập khẩu hàng hóa các cảng tại Dung Quất, đảm bảo cung ứng dịch vụ tốt nhất cho chủ tàu...

Theo báo cáo của Ban Quản lý, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi hiện có 20 doanh nghiệp tham gia xuất-nhập khẩu hàng hóa bằng container, với khoảng 6.500 container/năm (bình quân 125 container/tuần). Tuy nhiên, hiện nay tại cảng biển ở Dung Quất chưa có bến cảng container, do vậy các mặt hàng xuất container ở tỉnh phải vận chuyển ra Đà Nẵng hoặc một số cảng biển lân cận của miền Trung. Vì vậy, Ban quản lý đề nghị tỉnh lựa chọn nhà đầu tư có năng lực để đầu tư bến cảng container tại Khu kinh tế Dung Quất.

Hiện nay, Khu kinh tế Dung Quất có tám bến cảng, gồm bảy bến cảng đã đi vào hoạt động; trong đó có ba bến cảng tổng hợp (Hào Hưng, PTSC và Gemadept); ba bến cảng chuyên dùng (Doosan và hai cảng Nhà máy lọc dầu Dung Quất); một bến cảng của Nhà máy đóng tàu và đang xây dựng hệ thống 11 bến cảng chuyên dùng của Nhà máy Thép Hòa Phát.

Các cảng tổng hợp có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải 50.000-70.000 DWT. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng tại Khu kinh tế Dung Quất hàng năm đạt trên 17 triệu tấn. Các sản phẩm, nguyên vật liệu xuất nhập khẩu thông qua cảng biển ở Dung Quất chủ yếu là dăm gỗ, dầu FO, đồ gia dụng, sản phẩm may mặc... và các sản phẩm đặc trưng của các cảng chuyên dụng để xuất đi sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Ấn Độ, Canada, Singapore...

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm và xử lý nhanh chóng việc tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa các cảng tại Dung Quất như thủ tục hải quan, thủ tục tàu ra, vào, thủ tục xuất nhập cảnh,... đặc biệt đã triển khai bằng phương thức điện tử, công khai, minh bạch theo cơ chế một cửa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục