Xây dựng các tiêu chí xếp hạng khách sạn cần phù hợp thực tế

Việc đánh giá, xếp hạng khách sạn theo Tiêu chuẩn quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc khi những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhân lực… chưa phù hợp với các khách sạn ở các tỉnh nhỏ.
Xây dựng các tiêu chí xếp hạng khách sạn cần phù hợp thực tế ảnh 1Phòng ngủ cao cấp trong Khách san 5 sao Metropole Hà Nội. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Việc xếp hạng khách sạn theo Tiêu chuẩn quốc gia 4391:2009 đã giúp các khách sạn khẳng định được thương hiệu, qua đó tạo niềm tin đối với du khách.

Mặc dù vậy, theo các cơ quan quản lý du lịch, các khách sạn, việc đánh giá, xếp hạng khách sạn theo Tiêu chuẩn quốc gia còn gặp nhiều vướng mắc khi những tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, nhân lực… chưa phù hợp với các khách sạn ở các tỉnh nhỏ; các tiêu chí đánh giá chưa linh hoạt.

Cứng nhắc trong quy định số lượng phòng khách sạn

Theo quy định của Tiêu chuẩn quốc gia, khách sạn muốn đạt 1 sao phải từ 10 phòng trở lên, 2 sao từ 20 phòng, 3 sao từ 50 phòng, 4 sao từ 80 phòng, 5 sao từ 100 phòng.

Tuy nhiên, trên thực tế, có những khách sạn ở các tỉnh lẻ được đầu tư rất tốt đạt tiêu chuẩn của khách sạn 4, 5 sao nhưng vì vướng về số phòng nên chỉ được xếp hạng 1 sao, 2 sao.

Ông Phan Xuân Anh, chủ hai khu nghỉ mát ở Tiền Giang và Huế chia sẻ: "Hai khu nghỉ mát của chúng tôi chỉ được 40 phòng, do đó chỉ được xếp hạng 2 sao nhưng giá phòng của hai cơ sở lưu trú này hơn 2 triệu/phòng (bằng giá phòng của khách sạn từ 3 sao trở lên). Với giá phòng như vậy, nhưng khách lưu trú vẫn chấp nhận nhờ những tiện ích mà chúng tôi mang lại cho họ không khác gì khách sạn từ 3 sao trở lên như quy mô đầu tư về cơ sở vật chất, sự tận tình trong cung cách phục vụ của nhân viên, không gian nghỉ ngơi thoáng mát."

Theo các chuyên gia, việc quy định số phòng như vậy chỉ phù hợp với những thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… Những thành phố lớn này luôn có khách đi công tác hay đi du lịch, khách thường lưu lại dài ngày và đi theo đoàn (du lịch MICE – du lịch kết hợp hội nghị…), nên các khách sạn thường có nhiều phòng để đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách.

Ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết đối với số lượng các phòng đối với khách sạn 3 sao trở lên thì quy định tương đối “cứng.” Muốn đạt được khách sạn 3 sao, khách sạn 2 sao phải xây thêm 20 phòng.

Đây là việc dễ làm với khách sạn ở các thành phố lớn khi muốn mở rộng kinh doanh nhưng ở các tỉnh lẻ thì lại là việc khó, không phải vì kinh phí mà vì liên quan đến hiệu quả kinh doanh của khách sạn.

Công suất sử dụng phòng của các khách sạn ở các tỉnh lẻ vào dịp lễ, Tết cũng chỉ đạt khoảng 90% nên nếu đầu tư xây thêm phòng mà tình hình lưu trú như vậy thì việc thu hồi vốn khá khó khăn.

Bên cạnh đó, theo quy định của Tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, mỗi phòng phải có một nhân viên dọn dẹp phòng. Như vậy, dù không có khách lưu trú nhưng chủ khách sạn vẫn phải trả lương cho nhân viên phụ trách dọn dẹp phòng.

Tiêu chí bắt buộc và khuyến khích

Theo phản ánh của các cơ quan quản lý du lịch, các khách sạn, bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng khách sạn hiện tại đề cập đến quá nhiều chi tiết, trong khi đó không phải tiêu chí nào cũng phù hợp cho tất cả các loại khách sạn (có khách sạn nghĩ dưỡng ở các tỉnh lẻ, khách sạn ở các trung tâm thành phố, khách sạn nổi, khách sạn ven đường). Do vậy, thời gian tới, bộ tiêu chí này cần có những tiêu chí bắt buộc và khuyến khích.

Theo ông Phan Xuân Anh, khi đã đi vào tiêu chí để đánh giá xếp hạng các sao cần đi vào các tiêu chí chung phổ biến cần phải có của một khách sạn và không nên đi sâu với quá nhiều chi tiết liệt kê bắt buộc khách sạn phải có từ lễ tân cho đến phòng lưu trú.

Chẳng hạn, về phần trang trí trong phòng, tiêu chí quy định phải treo tranh trên đầu giường. Quy định này không cần thiết đối với khách sạn mang tính chất nghỉ dưỡng ở các tỉnh lẻ. Bởi những khách sạn nghỉ dưỡng thường có những khu vườn với nhiều cây cảnh đẹp, khách có thể ra vườn để hưởng thụ không khí trong lành và ngắm cảnh.

Ngoài ra, ở những khu nghỉ dưỡng, khách lưu trú không cần làm việc cho nên những dụng cụ để cho khách làm việc cũng không cần thiết.

Bà Phạm Thị Sương, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh chia sẻ thêm, để đánh giá và xếp hạng phù hợp với mỗi loại hình khách sạn và các tỉnh lẻ, bộ tiêu chí nên chia làm hai phần: bắt buộc và khuyến khích. Tức là phải có những tiêu chí bắt buộc thì mới có cơ sở để xếp loại khách sạn và buộc các khách sạn phải đầu tư chu đáo, còn phần tiêu chí khuyến khích để các chủ khách sạn tự lựa chọn nhằm phù hợp với loại hình khách sạn mình đang sở hữu.

Cụ thể, những tiêu chí bắt buộc chung mà khách sạn phải có như về đội ngũ nhân viên có trình độ, cơ sở vật chất thiết yếu như bếp ăn, khu phục vụ ăn uống, trong các phòng ngủ phải có tivi, tủ lạnh…

Những tiêu chí chỉ nên khuyến khích như mắt nhìn trên cửa, chuông gọi cửa, cặp đựng tài liệu… Không nên đánh đồng số điểm như nhau cho các tiêu chí.

Theo cách cho điểm hiện tại, mỗi một tiêu chí nếu đạt thì được một điểm. Chẳng hạn, trong quy định buồng ngủ, tiêu chí về dép đi trong buồng ngủ bằng điểm với tiêu chí về tivi, tủ lạnh.

Bên cạnh đó, những tiêu chí mà chủ khách sạn phải bỏ nhiều kinh phí đạt được cần được tính nhiều điểm hơn thì mới khuyến khích được sự đầu tư của chủ khách sạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục