Xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn để hỗ trợ hiệu quả cho trẻ tự kỷ

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn chuyên sâu "Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam."
Trẻ tự kỷ được hướng dẫn bởi các cô giáo chuyên sâu giáo dục đặc biệt. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 14/9, tại Hà Nội, Quỹ Bảo trợ em Việt Nam tổ chức lớp Tập huấn chuyên sâu "Nâng cao năng lực cho kỹ thuật viên và giáo viên nguồn của các trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ tại Việt Nam."

Lớp tập huấn có sự tham gia của 60 học viên là các thầy cô giáo, kỹ thuật viên can thiệp tại 30 trung tâm hỗ trợ trẻ em tự kỷ thuộc 21 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tại chương trình, ông Hoàng Văn Tiến-Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tóm tắt kết quả 3 năm thực hiện dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ thực hiện với tổng kinh phí 10 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận tài trợ thực hiện trong 5 năm (2019 – 2023).

Ông Hoàng Văn Tiến cho biết, chương trình tập huấn là hoạt động nằm trong dự án "Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam" nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản để các giảng viên kết hợp với các tài liệu đã sản xuất của dự án. Qua đó, hướng dẫn các bậc cha mẹ, kỹ thuật viên tại các trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại các trung tâm cũng như tại gia đình.

Các kỹ thuật viên và giáo viên được tập huấn chính là đội ngũ giảng viên nguồn tại tất cả các vùng miền trong cả nước theo mục tiêu của dự án nhằm tuyên truyền lại kiến thức cho kỹ thuật viên khác tại trung tâm; là hạt nhân hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân, gia đình có nhu cầu tìm hiểu về trẻ tự kỷ hoặc không may có trẻ tự kỷ cần chăm sóc, giúp đỡ tại gia đình và cộng đồng.

Các giảng viên tham gia giảng dạy tại lớp tập huấn là các chuyên gia trực tiếp biên soạn bộ tài liệu "Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam"; có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt.

Nội dung tập huấn tập trung vào việc hướng dẫn cho cán bộ nòng cốt về nghiên cứu và đánh giá rối loạn phổ tự kỷ; Quản lý hành vi và hỗ trợ tâm lý cho gia đình trẻ tự kỷ; Dạy ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ; Phương pháp can thiệp dựa trên ABT - Can thiệp chơi đùa.

[Nhận thức về tự kỷ: “Bà mẹ tủ lạnh” và di chứng ở Việt Nam]

Là một trong những học viên tham dự lớp tập huấn, bác sỹ Chuyên khoa 1, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa Trịnh Thị Phương – Phụ trách chuyên môn tại Trung tâm An Phương, thành phố Thanh Hóa chia sẻ, những lớp tập huấn như này có giá trị rất lớn; hỗ trợ và cung cấp cho học viên những kiến thức chính thống, thống nhất từ các chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực hỗ trợ trẻ rối loạn phát triển để truyền đạt lại cho những giáo viên nơi mình công tác và những phụ huynh có con rối loạn phổ tự kỷ.

Khi nhà chuyên môn, giáo viên, phụ huynh có cách nhìn đúng, phù hợp, hiểu rõ những khó khăn cốt lõi của trẻ thì sự hỗ trợ sẽ được đồng nhất và người được hưởng lợi chính là những trẻ em không may có rối loạn phát triển.

Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO: "Tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời và rất khó chữa khỏi, được thể hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, có hành vi, sở thích cũng như những hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại."

Việc can thiệp và trị liệu cho trẻ tự kỷ cần diễn ra lâu dài và bền vững để giúp trẻ giảm thiểu hành vi, xây dựng và củng cố những tác động phát triển năng khiếu ở một vài lĩnh vực cho trẻ (hội họa, âm nhạc, hát, toán học...) giúp trẻ tiến bộ tích cực, trở thành người có ích cho xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục