Xây dựng hồ sơ thành lập Khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Lâm Đồng và các cơ quan hữu quan đang chuẩn bị xây dựng hồ sơ đề xuất Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang để trình UNESCO xem xét, công nhận.

Tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan hữu quan đang chuẩn bị các bước xây dựng hồ sơ đề xuất Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang để trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, công nhận trong thời gian tới đây.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang dự kiến rộng gần 260.000ha; trong đó, vùng lõi có diện tích hơn 56.220ha, vùng đệm gần 85.570ha và vùng chuyển tiếp có diện tích trên 117.670ha.

Toàn bộ khu dự trữ sinh quyển trải rộng trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện: Lạc Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương. Đáng chú ý, vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển chính là Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà, Trung tâm bảo tồn quốc gia về đa dạng sinh học với hơn 2.000 loài thực vật và gần 400 loài động vật, trong đó có 127 loài quý hiếm trong Sách Đỏ.

Theo Ban chỉ đạo xây dựng hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang, đến nay khu vực cao nguyên Langbiang đã đảm bảo được các tiêu chí chuẩn để có thể trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đó là: hệ sinh thái đại diện; ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; cơ hội cho phát triển bền vững; sự tham gia của cộng đồng; cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng và có cả lĩnh vực nghiên cứu, giáo dục, giám sát.

Các bên cũng đã thống nhất các tiêu chí, diện tích dự kiến của khu dự trữ sinh quyển; thu thập, điều tra các nội dung liên quan đến đa dạng sinh học, dân sinh, kinh tế, xã hội, lịch sử, văn hóa trong khu dự trữ sinh quyển.

Hiện nay, Ban chỉ đạo đang phối hợp với Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà xây dựng bản đồ dự kiến của khu dự trữ sinh quyển và tổng hợp tài liệu báo cáo chuyên đề đa dạng sinh học của Vườn quốc gia về động vật, thực vật, thảm thực vật, thủy sinh vật và quản lý bảo tồn đa dạng sinh học; xác định giá trị bảo tồn, giá trị kinh tế, giá trị đặc trưng của các loài động vật, thực vật Langbiang. Việc thực hiện các chuyên đề thu thập và xử lý mẫu thực vật, động vật cũng đang được tiến hành.

Trong thời gian tới, Ban chỉ đạo sẽ tiếp tục làm việc với Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam để rà soát nội dung báo cáo chuyên đề về dân sinh, kinh tế, xã hội; khảo sát, bổ sung một số nội dung về hoạt động du lịch, văn hóa bản địa và sinh thái nhân văn; hoàn thiện bản đồ và số liệu của khu dự trữ sinh quyển, hoàn thành biểu tượng của khu dự trữ sinh quyển.

Dự kiến, tháng Tám tới sẽ hoàn thành hồ sơ tiếng Việt, đến cuối tháng Chín năm nay sẽ hoàn thành hồ sơ tiếng Anh và đệ trình lên UNESCO.

Tại hội nghị tham vấn kỹ thuật và xây dựng khu dự trữ sinh quyển Langbiang tổ chức mới đây, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam, cho rằng: “Giá trị của khu dự trữ sinh quyển Langbiang là sự kết nối văn hóa với vùng Tây Nguyên và sử dụng văn hóa để bảo tồn thiên nhiên, thể hiện triết lý “con người với thiên nhiên”, nhưng mang màu sắc bản địa.”

Ông M.Hasegawa, Cố vấn cao cấp của Tổ chức JICA (Nhật Bản), cũng cho rằng, để Khu dự trữ sinh quyển Langbiang sớm được UNESCO công nhận thì mọi tổ chức liên quan đều cần phải tuân thủ một nguyên tắc bắt buộc, đó là sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, đồng thời cần phát triển một sự đồng thuận chung về các mục tiêu và phương hướng.

Theo các chuyên gia, cần điều tra bổ sung sự tham gia của cộng đồng và vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội vào hoạt động bảo tồn và phát triển; điều tra bổ sung các hoạt động nghiên cứu khoa học; bổ sung hình ảnh về các hệ sinh thái, động vật và thực vật rừng, các lễ hội, hoạt động du lịch, hoạt động tuyên truyền giáo dục môi trường… để hoàn thiện hồ sơ Khu dự trữ sinh quyển Langbiang trước khi trình UNESCO./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục