Sáng 8/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách nhằm thảo luận một số nội dung trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Được tổ chức trong thời gian ba ngày, mục đích của Hội nghị lần này nhằm thu thập ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội chuyên trách, các cơ quan quản lý, các nhà khoa học đối với sáu dự án luật quan trọng có tác động lớn đến chính trị, kinh tế-xã hội, an ninh và quốc phòng của đất nước sẽ được trình tại Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội.
Đảm bảo quyền con người, quyền công dân theo tinh thần của Hiến pháp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Kỳ họp thứ 8 sắp tới là kỳ họp thứ hai kể từ khi triển khai thi hành Hiến pháp 2013.
Với mục tiêu đảm bảo thành công của Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị lần này để thảo luận sáu dự án trong số 18 dự án luật mà Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp tới. Trong số đó, Luật Tổ chức Quốc hội là dự án Luật đầu tiên được sửa đổi nhằm triển khai thi hành Hiến pháp và cũng sẽ được Quốc hội thảo luận, thông qua đầu tiên tại Kỳ họp thứ 8.
Tiếp đó, các dự án Luật Tổ chức Tòa án (sửa đổi), Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi), Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cũng sẽ lần lượt được xem xét, thông qua.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ Kỳ họp thứ 8 là Kỳ họp nặng về việc sửa đổi, hoàn thiện các luật về cơ cấu, tổ chức các cơ quan Nhà nước, bám sát định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu công tác xây dựng pháp luật phải bám sát tinh thần Hiến pháp, đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Trong đó, đảm bảo quyền của người dân hoạt động kinh doanh các lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Mọi quy định hạn chế quyền công dân đều phải được cụ thể hóa bằng luật pháp.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tham dự hội nghị làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, rà soát kỹ, chi tiết các nội dung của từng dự thảo luật, đảm bảo có được một dự thảo hoàn thiện nhất trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp.
Đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội
Trong buổi làm việc đầu tiên, Hội nghị đã cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi). Là dự án mở đầu cho việc sửa đổi các luật về tổ chức bộ máy nhà nước sau khi Hiến pháp có hiệu lực thi hành, Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) có nhiều đổi mới quan trọng liên quan đến cơ cấu, tổ chức, phương thức hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội được cử tri cả nước quan tâm.
Nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý tại buổi thảo luận là quy định về tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, việc tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức hoạt động Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn.
Nhấn mạnh, đại biểu Quốc hội là trung tâm trong hoạt động của Quốc hội, Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện cho tương xứng với vị trí, vai trò của người đại diện của nhân dân.
Đại biểu Đương đề xuất, đại biểu Quốc hội phải có tư duy độc lập, vô tư, tránh khỏi tác động bên ngoài làm mất tính khách quan trong thực hiện chức năng xây dựng pháp luật; đồng thời cũng cần phải có năng lực nhất định về lập pháp, giám sát.
Tán thành việc nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách như trong dự thảo, đại biểu Đương cho rằng số lượng đại biểu chuyên trách phải đi đôi với chất lượng.
Theo đại biểu Đương, đại biểu Quốc hội chuyên trách ít nhất phải là chuyên viên cao cấp và phải có 15 năm công tác trong lĩnh vực mà mình phụ trách trở lên; phải có thời gian tiếp xúc cử tri và năng lực lập pháp, giám sát mới hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) bổ sung, cần quy định thêm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để phân biệt với đại biểu hội đồng nhân dân ở địa phương.
Đại biểu Nam đề nghị nên quy định độ tuổi ít nhất và cao nhất của đại biểu Quốc hội theo hướng, thấp nhất 25 tuổi để đảm bảo đủ kinh nghiệm, trình độ tham gia vào hoạt động của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội cũng không nên quá 70 tuổi.
"Dự thảo cũng không nên quy định cứng nhắc tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách chỉ là 35% mà phải quy định từ 50% trở lên để đảm bảo tính chuyên nghiệp của đại biểu,” đại biểu Lê Nam kiến nghị.
Cho rằng, Đại biểu Quốc hội là chức danh chính trị, không phải là chức vụ hành chính, đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể thời gian tiếp dân của đại biểu Quốc hội, bởi đó là trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với cử tri.
Tương tự như vậy, tán thành quy định về chức danh Tổng Thư Ký Quốc hội, đại biểu chuyên trách của Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm, Tổng Thư ký của Quốc hội phải đóng vai trò điều phối trong công tác xây dựng pháp luật, cần phân biệt với chức danh Chánh Văn phòng hoặc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là chức vụ hành chính.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng kiến nghị cần làm rõ quy định về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo hướng là một định chế, một cơ quan đóng vai trò thường trực của Quốc hội.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành việc đưa việc lấy phiếu tín nhiệm vào Luật Tổ chức Quốc hội như là một điểm mới đáng hoan nghênh, song dự thảo cũng nên quy định cụ thể định kỳ hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi phiếu vào đầu kỳ họp để đại biểu Quốc hội làm cơ sở lựa chọn, bỏ phiếu tín nhiệm.
Một số ý kiến đề nghị nên phân bổ tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách một cách hợp lý hơn đảm bảo mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội nên có ít nhất hai đại biểu chuyên trách trở lên để đảm bảo hoạt động tại địa phương.
Chiều nay, Hội nghị cho ý kiến đối với Dự án Luật Căn cước Công dân./.