Chủ tịch Quốc hội: Cần luật hóa vấn đề đạo đức kinh doanh

Cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần quy định vấn đề đạo đức kinh doanh trong dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội: Cần luật hóa vấn đề đạo đức kinh doanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 11/8, trong buổi họp đầu tiên của Phiên họp thứ 30 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, cho ý kiến đối với hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là hai dự án luật khó, có tầm phổ quát lớn, song có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được thực hiện tốt nhằm đổi mới toàn diện, thúc đẩy, giải phóng sức sản xuất của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hai dự án Luật hướng đến việc mở rộng dân chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy đề ngăn chặn tình trạng này, cơ quan soạn thảo cần gắn các nội dung của dự án Luật với việc chống hành vi gian lận thương mại.

“Cần quy định vấn đề đạo đức kinh doanh trong dự án Luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị gắn chặt mối tương quan giữa hoạt động đầu tư kinh doanh với doanh nghiệp.

Tháo nút thắt trong phiên thảo luận, nhấn mạnh đến Danh mục những ngành nghề kinh doanh bị cấm, kinh doanh có điều kiện - vấn đề trọng tâm của hai dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến, thống nhất, mới có thể hoàn thiện hai dự án luật.

Giải trình tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù Bộ đã đề nghị và nhắc nhở nhiều lần, tuy nhiên, đến tận giờ phút này, Bộ vẫn mới chỉ nhận được danh sách ngành, nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, các của vài bộ dẫn đến Cơ quan soạn thảo chưa có cơ sở đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.