Tại buổi lễ ký kết hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin giữa Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) diễn ra chiều 4/3, hai đơn vị thống nhất sẽ xây dựng mạng viễn thông dùng riêng cho ngành khí tượng thủy văn trên nền tảng hiện đại, đảm bảo truyền nhận dữ liệu kịp thời, đầy đủ, thời gian thực trong mọi tình huống.
Theo Thỏa thuận hợp tác được ký kết, việc hợp tác sẽ hướng tới mục tiêu nghiên cứu xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử viễn thông cho ngành khí tượng thủy văn theo định hướng chiến lược phát triển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và trên cơ sở yêu cầu công tác quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Hai bên thống nhất phối hợp xây dựng mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn hiện đại; đề xuất các giải pháp tiên tiến, công nghệ quan trắc khí tượng thủy văn ứng dụng công nghệ 4.0; tư vấn, phối hợp tăng cường mạng lưới quan trắc tại các khu vực vùng núi, hải đảo, biên giới, trên tàu thuyền; nghiên cứu phát triển thiết bị quan trắc khí tượng trên cao và ra đa thời tiết...
Đặc biệt, hai bên sẽ xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn như: Xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin về dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; phối hợp thực hiện các nghiên cứu thực nghiệm về bão, ứng dụng flycam điều tra, khảo sát thực trạng lũ quét, sạt lở đất; xây dựng các mô hình dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn dựa trên kỹ thuật AI; tư vấn, hỗ trợ thực hiện các bài toán mô phỏng lũ, ngập lụt; phối hợp thiết lập hệ thống cảnh báo tác động, rủi ro của thiên tai đối với hệ thống hạ tầng của Viettel.
[Giải quyết bất cập về sử dụng biển để cân bằng phát triển và sinh thái]
Giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn nhấn mạnh hợp tác với Viettel là hoạt động hết sức quan trọng của ngành khí tượng thủy văn trong năm 2021.
Theo ông, việc hợp tác giữa hai đơn vị sẽ hướng tới công tác cung cấp dịch vụ để đảm bảo cuộc sống ổn định của nhân dân. Với nhu cầu hiện tại, ngành khí tượng thủy văn mong muốn xây dựng một mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn bứt phá và hiện đại; hệ thống thông tin ổn định trong thời tiết xấu và cực xấu; ứng dụng sâu trí tuệ nhân tạo trong các hoạt động dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch Viettel khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai đơn vị là rất lớn. Điển hình như các công nghệ về rađa, máy bay không người lái, vệ tinh - những thế mạnh của Viettel đều có thể phục vụ lĩnh vực khí tượng thủy văn, nhất trong bối cảnh khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Do đó, ông Dũng mong muốn sự hợp tác giữa hai bên ngày càng mạnh mẽ, đạt được nhiều thành công trong tương lai./.