"Xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các làng nghề"

Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ những suy nghĩ về vấn đề cần phải tăng tính liên kết các làng nghề qua các mô hình hợp tác xã kiểu mới
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đến dự và phát biểu tại Tọa đàm “Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập”. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề, trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận.

Làng nghề góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Số liệu của cơ quan Hải quan cho thấy, năm 2014, riêng xuất khẩu mây tre, cói thảm đã đạt 250,6 triệu USD và xuất khẩu gốm sứ đạt 508,2 triệu USD.

Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề chưa thật sự vững bền, chưa gắn kết được các công đoạn từ thiết kế mẫu mã, cung ứng nguyên nhiên liệu đến sản xuất và tiêu thụ.

Đã khảo sát nhiều nơi trong cả nước để tìm câu trả lời cho bài toán làng nghề truyền thống sống thế nào trong thời kỳ hiện đại, hội nhập, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dành thời gian chia sẻ những cảm nhận của mình.

- Ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của làng nghề Việt Nam hiện nay?

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân: Vừa qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Hiệp hội làng nghề Việt Nam có đi khảo sát tại 3 tỉnh, thành phố về thực trạng phát triển làng nghề. Qua cuộc khảo sát chúng tôi thấy càng trân trọng hơn giá trị của làng nghề Việt Nam. Chính từ sự trân trọng đó cần suy nghĩ để phát huy, phát triển làng nghề trong thế kỷ 21.

Làng nghề có từ hàng nghìn năm qua nhưng làng nghề trong thế kỷ 21 khác thế kỷ 10 là gì? Chúng tôi nhớ lại lời của Mác nói rất ý nghĩa, đó là các xã hội khác nhau không phải ở chỗ sản xuất ra cái gì mà sản xuất như thế nào? Đây là câu hỏi rất hay. Bởi sản phẩm làng nghề đã có từ hàng nghìn năm và làm vẫn chỉ cơ bản như vậy, nhưng cái khác là sản xuất như thế nào?

Chúng ta biết đặc điểm làng nghề Việt Nam là tạo ra những sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế của dân tộc Việt Nam - một nền kinh tế lúa nước, nhưng nó là những sản phẩm để định vị nền văn hóa Việt Nam.

Ví dụ người Việt Nam ăn như thế nào, thể hiện qua các làng nghề ẩm thực. Người Việt Nam mặc như thế nào, thể hiện qua làng nghề dệt may. Người Việt Nam ở như thế nào, thể hiện qua nhà của người Việt Nam. Người Việt Nam nhớ về tổ tiên, thờ cúng ông bà, các bậc tiền bối thế nào, đó là tâm linh người Việt. Và người Việt Nam nghĩ về cái đẹp, niềm vui, về ngày Tết, ngày lễ như thế nào, đó là văn hóa của người Việt Nam.

Như vậy, giá trị làng nghề là nó làm cho cuộc sống được vật chất hóa về yếu tố văn hóa sản xuất. Xã hội càng phát triển, yếu tố văn hóa Việt càng quan trọng và càng đi lên. Tuy qua một nghìn năm phát triển, sản phẩm làng nghề có thể chưa thay đổi nhiều, nhưng nhu cầu đưa văn hóa Việt Nam vào từng hộ gia đình, từng nhà trường, nhà chùa, đền đình... hết sức quan trọng.


- Nhiều ý kiến cho rằng cần phải tăng tính liên kết các làng nghề qua các mô hình hợp tác xã kiểu mới, ông có ý kiến gì?


Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân:
Vừa rồi tôi đã nói mặt thuận. Mặt thuận là sau một nghìn năm nhu cầu sản phẩm văn hóa trong xã hội Việt Nam vẫn tăng, đó là động lực cho làng nghề, nhưng có một thay đổi quan trọng là chúng ta không sống ở nền kinh tế làng xã nữa mà là kinh tế thị trường, đặc biệt là gắn với hội nhập quốc tế.

Nhiều sản phẩm của Việt Nam lại được cung cấp bởi người nước ngoài có thể cạnh tranh được. Làng nghề muốn sống được phải đáp ứng những yêu cầu hết sức căn bản là chất lượng phải ngày càng nâng cao, chi phí phải giảm, mẫu mã phải phong phú và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, không phải chỉ số đông mà cả số nhỏ. Yếu tố tạo sức mạnh cạnh tranh, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường số đông nhưng sản phẩm vẫn phải đảm bảo cá thể hóa, điều đó từng hộ không làm được.

Tôi thăm làng nghề Phù Lãng ở Bắc Ninh, mỗi hộ khi sản xuất phải sắm một máy đùn đất trị giá 10 triệu đồng nhưng chỉ trộn và đùn đất tương đối mềm, đất chưa thật mịn, chưa loại trừ hết tạp chất nên khi nặn phải nặn dày mới đảm bảo, chất lượng cũng không đồng nhất. Nếu mua một máy đùn đất kiểu mới, vừa đùn, vừa sàng lọc, đảm bảo chất lượng cao, giá 300 triệu đồng. Một hộ không thể sắm máy 300 triệu đồng nhưng có 30 hộ cùng gom tiền vào mua một máy, tất cả các hộ đều có hàng tốt mà không phải ai cũng cần sắm máy.

Nếu các hộ liên kết lại, thành lập một hợp tác xã làm đồ gốm, từng gia đình vẫn làm đồ gốm nhưng riêng khâu nguyên liệu là cung cấp chung bằng cách một người đi mua đất 10 người đỡ tốn kém, dùng chiếc máy này cho 10 người, chất lượng cao hơn mà rẻ hơn. Làng nghề cần đầu vào, nếu có hợp tác xã lo đầu vào chung sẽ rẻ hơn và chất lượng cao hơn. Hay như lò nung truyền thống, mỗi lần đun đốt xong phải đợi một thời gian nguội xuống mới đốt lại được, khả năng rút ngắn thời gian đốt là khó khăn.

Thứ hai là làm nhỏ không được, phải đầy mới nung được, không đốt nửa lò được, muốn đốt phải dùng lò đốt bằng dầu. Nhưng nếu mỗi hộ có một lò bằng đất, một lò bằng dầu sẽ không dùng hết được. Nếu có hợp tác xã, các hộ vẫn có lò nung đất nhưng có thể có lò nung dầu dùng chung theo nhu cầu của các hộ sản xuất. Như vậy sẽ giảm chi phí đầu tư, hợp tác xã có thể có một số tài sản chung trong khi tài sản chính vẫn nằm ở hộ, miễn là sản xuất hiệu quả hơn.

Đặc biệt khâu thứ ba là mẫu mã. Mỗi hộ nếu có một người con theo nghề và học đại học mỹ thuật công nghiệp để thiết kế sản phẩm cũng chỉ thiết kế được cho gia đình mình, nhưng nếu có hợp tác xã sẽ có một tổ về nghiên cứu thị trường và mẫu mã. Chỉ cần 3 đến 4 người cùng nghiên cứu về thị trường và phổ biến những thông tin đó cho 30 hộ để từ đó có thể quyết định sẽ làm mảng gì, có thể thiết kế mặt hàng có nhu cầu mới.

Những nhu cầu đặc thù đó một hộ không thể nghiên cứu được. Có nghiên cứu rồi cũng không thí nghiệm được, lựa kích thước, độ dày đòi hỏi yếu tố khoa học công nghệ và cách làm cũ không làm được. Nếu có hợp tác xã, có tổ chuyên lo nguyên liệu, lo thị trường, làm mẫu mã, sản xuất thử nghiệm, khi ổn rồi sẽ chuyển giao toàn bộ thiết kế và kỹ thuật cho từng hộ, lúc đó các hộ thi nhau làm.

Thứ tư là tiêu thụ, Phù Lãng đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí để chở đồ gốm đi triển lãm ở Đồng Nai vì một chuyến chở đồ mất 20 triệu đồng. 30 hộ đi mất hàng trăm triệu đồng nhưng nếu có hợp tác xã chỉ cần 2-3 người đi có thể quảng bá cho cả làng. Nếu chúng ta thực hiện mô hình hợp tác xã vừa tạo động lực của từng hộ chăm chút sản phẩm của mình thật tốt, thật đẹp, có nhãn hiệu riêng, đồng thời những nhu cầu chung được giải quyết qua hợp tác xã hiệu quả sẽ cao hơn.

Qua đi khảo sát, chính Hiệp hội làng nghề Việt Nam cho rằng việc hướng tới hợp tác xã kiểu mới là rất phù hợp, nhưng hiện nay chưa có ví dụ trong thực tiễn.

Nên có thí điểm, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc và Hiệp hội làng nghề Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam chọn một số địa phương hỗ trợ xây dựng hợp tác xã đầu tiên của làng nghề theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Qua thời gian hoạt động, nếu có sức thuyết phục sẽ là ví dụ để phát triển thêm. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm sau một nghìn năm.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục