Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc-Nam phía Đông

Nghị quyết 20/NQ-CP thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải nhằm triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 20/NQ-CP về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Nghị quyết thông qua một số đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải nhằm triển khai Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017 về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Nghị quyết nêu rõ việc triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu; trường hợp chỉ có một nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định “Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực.”

Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý.

Theo Nghị quyết, bổ sung dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông vào danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành Giao thông Vận tải; Thủ tướng Chính phủ kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải, bổ sung thành viên là lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua.

Cùng với đó, thành lập Tổ công tác liên ngành để hỗ trợ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đàm phán, thực hiện dự án gồm đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và địa phương nơi có dự án đi qua, có mời thêm một số chuyên gia nếu cần thiết.

Đối với Dự án Phan Thiết-Dầu Giây, Thủ tướng Chính phủ quyết định giao Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổ chức xác định chi phí chuẩn bị dự án và chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco, đàm phán với Công ty Bitexco theo hai phương án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ở phương án thứ nhất, Công ty Bitexco không tiếp tục tham gia đầu tư Dự án. Nhà nước sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho Dự án để thanh toán chi phí chuẩn bị dự án và khoản chi phí cơ hội cho Công ty Bitexco ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.

Ở phương án thứ hai, Công ty Bitexco tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Công ty Bitexco được hưởng ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 30/2015/NĐ-CP của Chính phủ; kinh phí chuẩn bị dự án nằm trong chi phí đầu tư của Dự án và được thanh toán bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bố trí cho dự án ngay sau khi có kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

[Năm 2030: Việt Nam sẽ có thêm bao nhiêu kilômét đường cao tốc?]

Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải căn cứ quy mô từng dự án thành phần, tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật; đối với phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành văn bản quy định quy trình quyết toán hợp đồng đối với nhà đầu tư. Bộ Giao thông Vận tải và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn tín dụng cho dự án.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao ban hành văn bản hướng dẫn các điều kiện cụ thể để nhà đầu tư các dự án được tiếp cận, cung cấp vốn tín dụng, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định những vấn đề vượt thẩm quyền; đồng thời, phối hợp Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất phương án huy động vốn tín dụng cho dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về xác định vốn lưu động trong tổng vốn đầu tư dự án. Bộ Tài chính ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; hướng dẫn thanh toán vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP, quyết toán công trình dự án hoàn thành.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện, rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đáp ứng tiến độ các dự án.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có dự án đi qua chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ các dự án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục