Xây dựng nông thôn mới trên quê hương liệt sỹ nhà báo Trần Kim Xuyến

Với sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân, xã Tân Mỹ Hà huy động 40,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, có sự đóng góp của nhân dân, con em xa quê.
Một cung đường Trần Kim Xuyến ở thị trấn Phố Châu huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Trong cái nắng kèm thèo gió Lào nhẹ làm tung bay cờ, hoa trên mọi nẻo đường vùng quê nơi sinh ra Nhà báo Trần Kim Xuyến, một sự đổi thay trên mảnh đất Hương Sơn (Hà Tĩnh) là quê hương liệt sỹ Nhà báo của nền báo chí Cách mạng Việt Nam đang hiện hữu.

Chúng tôi đến xã Tân Mỹ Hà thăm Nhà Lưu niệm Liệt sỹ Trần Kim Xuyến. Trên con đường bêtông mới làm, đường thông thoáng, nhiều nhà vườn không gian sạch đẹp gọn gàng; từng nhà, từng vườn đều được chỉnh trang, quy hoạch trở thành những vườn mẫu tuyệt đẹp.

Xã Tân Mỹ Hà mới được sáp nhập từ xã Sơn Mỹ, Sơn Hà và Sơn Tân và các địa phương này đều đã cán đích nông thôn mới.

[Về quê nhà báo Trần Kim Xuyến 'tiếp lửa' cho học sinh nghèo]

Với sự đồng lòng và quyết tâm của nhân dân, xã Tân Mỹ Hà huy động 40,7 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới; trong đó, có sự đóng góp của nhân dân, con em xa quê.

Xã có 5 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 38 vườn mẫu, cải tạo 765 vườn; trồng mới 2.511 cây ăn quả các loại.

Thời gian tới, Tân Mỹ Hà tập trung phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương như chăn nuôi trâu bò, hươu; trồng lúa, lạc cao sản, phấn đấu trở thành xã nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Phạm Đình, Phó Chủ tịch xã Tân Mỹ Hà, cho hay sau khi sáp nhập xã Tân Mỹ Hà có 15 thôn với dân số hơn 5.000 người.

Y, bác sỹ Trạm y tế Phố Châu trên đường Trần Kim Xuyến chăm sóc vườn thuốc nam. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Đời sống nhân dân của ba xã trước đây tuy đời sống tương đồng nhau, nhưng có sự khác biệt về văn hóa, tập tục, điều kiện canh tác, sản xuất.

Đảng bộ và nhân dân Tân Mỹ Hà sẽ vượt lên tất cả, đồng lòng xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.

Từ một huyện miền núi, kinh tế con nghèo và lạc hậu, cơ cấu sản xuất còn phụ thuộc vào nông nghiệp, hạ tầng cơ sở kém, chăn nuôi manh mún, thì nay Hương Sơn đã phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực và trở thành huyện miền núi năng động nhất trong phát triển các mô hình kinh tế.

Ông Trần Văn Kỳ, Bí thư huyện Hương Sơn cho biết thời gian tới, Hương Sơn sẽ khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để xây dựng huyện nhà trở thành huyện nông thôn mới bền vững, đô thị phát triển.

Cô và trò trường THCS Trần Kim Xuyến miệt mài học tập. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)

Huyện phấn đấu đến năm 2025 có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 100 thôn đạt chuẩn khu dân cư mẫu, thị trấn Phố Châu đạt tiêu chí đô thị loại 4; 2 thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng/năm.

Đến nay diện tích cây ăn quả của huyện đạt 4.173ha tăng 44,47% so năm 2015; trong đó, diện tích trồng cam đạt 2.200 ha sản lượng 15.950 tấn chủ yếu tập trung các xã Sơn Trường, Sơn Hàm, Sơn Diệm. Cây chè có diện tích 680ha tăng 41,07% so với năm 2015 ở các địa phương Tây Sơn, Sơn Kim 1, Sơn Kim 2.

Nhiều xã trở đã hình thành các mô hình liên kết chăn nuôi tạo thành vùng chăn nuôi tập trung. Đặc biệt, nuôi hươu phát triển và đem lại hiệu quả kinh tế cao với tổng đàn 36.500 con với nhiều mô hình có quy mô lớn ở các xã Sơn Long, Sơn Tây, Sơn Diệm, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Thủy.

Huyện đã có 1 cơ sở chăn nuôi hươu 100 con, 2 cơ sở chăn nuôi hươu quy mô từ 50-70 con, 448 cơ sở chăn nuôi hươu từ 10-20 con.

Nhiều hộ gia đình cho thu nhập từ chăn nuôi hươu, mỗi năm thu về hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra tận dụng diện tích vườn đồi nhân dân địa phương phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê lợn.

Huyện Hương Sơn giờ đây là địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại, chăn nuôi và trồng trọt. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung tái cơ cấu nông, lâm nghiệp theo chiều sâu; đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị là hình thức tổ chức sản xuất chính.

Huyện cũng ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông lâm sản; đa dạng hình thức liên kết, mở rộng hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với nông hộ.

Đồng thời, phát triển mạnh các sản phẩm có lợi thế địa phương như: hươu, cam, chè, gỗ nguyên liệu, dược liệu và một số sản phẩm có tiềm năng. Cùng đó, huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm, từng bước đưa các sản phẩm chủ lực vào thị trường lớn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục