Xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng nhiệm vụ của các trường đại học là phải chuyển mạnh hình thức đào tạo sang giáo dục mở để phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời của người lớn.
Xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 4/6, tại Hà Nội, Hội khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn.”

Hội thảo có sự tham gia của các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên, doanh nghiệp nhằm trao đổi, chia sẻ về các vấn đề xây dựng, phát triển học liệu mở phục vụ cộng đồng.

Đây cũng là diễn đàn để các nhà khoa học đề xuất giải pháp phát triển hệ thống giáo dục mở nói chung, tài nguyên giáo dục mở nói riêng.

Phát biểu đề dẫn, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng nhiệm vụ của các trường đại học là phải chuyển mạnh hình thức đào tạo sang giáo dục mở để phục vụ cho nhu cầu học tập của tất cả đối tượng là người lớn trong xã hội, từ lãnh đạo các cấp đến cán bộ, công nhân viên, thầy cô giáo, công nhân, nông dân, người về hưu…

Muốn làm được điều đó, các trường đại học phải có nguồn tài nguyên giáo dục phong phú, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu học tập của mọi người.

Việc xây dựng, phát triển hệ thống các trường đại học tham gia trong một mạng lưới tổ chức xây dựng tài nguyên giáo dục mở giúp cho tài nguyên giáo dục mở phong phú.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Gỡ bỏ mọi rào cản thực hiện giáo dục mở]

Trường đại học xây dựng tài nguyên giáo dục mở là việc làm để thực hiện một nền giáo dục chia sẻ. Tri thức càng chia sẻ, tài nguyên giáo dục càng phát triển và càng bền vững.

Theo đánh giá của các đại biểu, người lao động Việt Nam còn thiếu hụt về tri thức, những kiến thức hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, chưa đủ sức để tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguyên nhân một phần do nền giáo dục còn khép kín, chưa mở ra những con đường thu gọn, tích tụ tri thức và những cơ chế chia sẻ tri thức, sự bình đẳng về cơ hội tiếp thu, giao lưu tri thức. Vì vậy, tài nguyên giáo dục mở chính là nguồn lực lấp đi sự nghèo nàn về tri thức.

Tài nguyên này được chuyển tải trên mạng thông tin, phân phối đến từng người dùng, không có trở ngại về địa lý và hàng loạt rào cản khác sẽ nhanh chóng lấp đi các cái hố ngăn cách tri thức với người có nhu cầu về tri thức.

Trên thực tế, những tri thức trong các chương trình giáo dục người lớn thường chỉ chú ý đến những đối tượng là nông dân, dân nghèo nông thôn và thành thị cùng những người làm nghề tự do.

Vì thế, những tri thức thường dừng lại ở mức độ phổ thông, không ứng dụng có hiệu quả cao đối với công việc sản xuất hàng ngày, đối với những việc làm đòi hỏi tính sáng tạo, tính độc đáo. Rất nhiều người học bị “cách ly” tri thức đại học.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, các trường đại học tạo ra tài nguyên giáo dục mở sẽ giúp cho hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, bác sĩ, nhà kinh doanh... có thêm cơ hội để tự học và phát triển.

Tuy nhiên, xây dựng tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho người lớn có đầy đủ tư liệu học tập suốt đời phải nhằm vào hai vấn đề lớn: Có kho tư liệu giáo dục càng lớn càng tốt dưới hình thức đầu tư phần mềm cho giáo dục thường xuyên, đồng thời phát huy tinh thần hiếu học của người học, tạo cho họ năng lực tự học với cách học hiện đại (phi truyền thống), sử dụng các công nghệ học tập để truy cập, tiếp cận, sử dụng, phổ biến, chia sẻ tri thức.

Cùng với đó, phải có một cơ chế chia sẻ tri thức từ tài nguyên giáo dục mở, giá trị sử dụng và hiệu quả sử dụng các tri thức sẽ được nhân lên gấp bội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục