Đối với quốc gia triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên như Việt Nam, việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân là hết sức cần thiết nhằm giải quyết các vướng mắc trong nghiên cứu, phát triển về kỹ thuật, cũng như đào tạo nhân lực khi triển khai dự án thi công nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam
Sự cần thiết phải xây dựng
Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết kinh nghiệm quốc tế cho thấy không thể phát triển các công nghệ mới, tiên tiến của tương lai trong lĩnh vực hạt nhân mà không có một trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân tiên tiến nhất.
Vì vậy, vấn đề xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân được hình thành ngay sau khi Việt Nam thỏa thuận hợp tác với Liên bang Nga về xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam năm 2009.
Ngày 21/11/2011, Việt Nam và Liên bang Nga đã ký thỏa thuận liên chính phủ về việc hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, để phục vụ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân Việt Nam sau này.
Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân sẽ là cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ hiện đại với các thiết bị tiên tiến, phục vụ cho các lĩnh vực về điện hạt nhân như tính toán, thiết kế, giải quyết các phát sinh trong thực hiện chương trình điện hạt nhân, cải tiến nhiên liệu, quản lý chất thải phóng xạ, sử dụng phóng xạ để triển khai trong các lĩnh vực vật liệu mới…
Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân nhằm xây dựng tiềm lực cho Việt Nam để có thể tiến hành thiết kế, tiếp thu công nghệ lò phản ứng và các thiết bị của nhà máy điện hạt nhân, tiếp thu công nghệ chế tạo nhiên liệu hạt nhân và xử lý chất thải phóng xạ…
Tuy vậy, để triển khai dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, làm rõ phân loại dự án đầu tư; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn…
Việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân là cần thiết, nhưng địa điểm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân với lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới phải căn cứ quy định của Luật Đầu tư công và Luật Năng lượng nguyên tử, căn cứ ý kiến thẩm định của Hội đồng liên ngành, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương có liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong đó gồm cả quyết định lựa chọn địa điểm xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân.
Xây dựng thận trọng, hoàn thiện từng module
Ông Valery Karezin - Giám đốc Dự án của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) cho biết Dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân có mức độ “phức tạp” cao nên ROSATOM đề xuất xây dựng Trung tâm một cách thận trọng theo phương án hoàn thiện từng module một.
Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân dự kiến gồm một lò phản ứng nghiên cứu công suất 10-20MW; các phòng thí nghiệm vật liệu; một tổ hợp hóa xạ và các thiết bị vật lý nhiệt. Các nghiên cứu tiên tiến nhất về điện hạt nhân, khoa học vật liệu lò phản ứng cũng như các nghiên cứu cơ bản sử dụng phóng xạ nơ-tron sẽ được thực hiện.
Lò phản ứng nghiên cứu của Trung tâm cũng sẽ được sử dụng để sản xuất các đồng vị phóng xạ cho y học và công nghiệp cũng như các ứng dụng khác.
Đồng thời, việc xây dựng Trung tâm sẽ tạo điều kiện để Việt Nam lập nên một cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) hoàn chỉnh cho phát triển công nghiệp hạt nhân cũng như đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cơ sở hạ tầng hạt nhân trong tương lai. Trung tâm cũng là đầu mối để hợp tác về công nghệ điện hạt nhân với các nước trong tương lai.
Nga là nước có kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân và đã cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển điện hạt nhân, cũng như xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân.
Theo đó, Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam một khoản vay của chính phủ để xây dựng Trung tâm và ROSATOM được chỉ định đại diện Liên bang Nga thực thi trách nhiệm, phía ROSATOM chủ động phối hợp với Việt Nam trong việc chuẩn bị thi công.
Hiện Liên bang Nga đã lập và chuyển giao cho Việt Nam các tài liệu nghiên cứu tiền khả thi gồm mô tả chi tiết các đặc điểm và tính chất nghiên cứu phù hợp, các tài liệu về một lò phản ứng nghiên cứu của Trung tâm.
Các tài liệu này được các chuyên gia Việt Nam đồng thuận, bởi các công nghệ hạt nhân của Nga nổi tiếng trên thế giới và ở Việt Nam lò phản ứng nghiên cứu đang hoạt động tại Đà Lạt cũng do các chuyên gia Nga tạo lập.
Nga đảm bảo đưa các công nghệ mới, tiên tiến cho phép tạo ra các phương tiện nghiên cứu hiệu quả và an toàn, đáp ứng các yêu cầu “gắt gao” nhất trong phát triển điện hạt nhân nói chung của Việt Nam nói riêng./.