Ngày 3/6/2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã chỉ rõ: Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21.
Ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách
Nội dung Nghị quyết số 24 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường nhanh chóng được cụ thể hóa trong quá trình nghiên cứu văn kiện Đại hội Đảng cho nhiệm kỳ tới, trong xây dựng cơ chế, chính sách.
Nhiều văn bản, quy định quan trọng đã được các Bộ, ngành, địa phương rà soát điều chỉnh, bổ sung, trình các cấp có thẩm quyền ban hành. Cơ chế, chính sách tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu tiếp tục được hoàn thiện.
Trong năm 2014, Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã được ban hành, trong đó có một chương riêng về biến đổi khí hậu, đi đôi với việc ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông lớn trọng yếu.
Nhiều văn bản pháp quy quan trọng khác cũng đã được ban hành nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Phòng chống thiên tai...
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu, đã có 24 hành động chính sách trong Khung chính sách năm 2013 đã được hoàn thiện, như Quy hoạch tổng thể bảo vệ đa dạng sinh học 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý tài nguyên nước; Chiến lược phát triển Giao thông vận tải Việt Nam có lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030...
Trong tổng số 29 hành động chính sách năm 2014, một số hành động chính sách được hoàn thiện sớm tiến độ, các hành động chính sách được các Bộ, ngành tích cực triển khai theo kế hoạch đề ra, với các nội dung gắn chặt với các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh.
Đánh giá về các kết quả chính của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cho rằng, tính đến hết năm 2014, một số kết quả nổi bật nhất của Chương trình đó là đã xây dựng, cập nhật và công bố Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đồng thời đánh giá được các tác động của biến đổi khí hậu đến từng lĩnh vực, khu vực. Đề xuất được những giải pháp ứng phó phù hợp và ban hành Kế hoạch hành động cho từng Bộ, ngành và từng địa phương.
Mô hình tổ chức, quản lý hoạt động ứng phó được củng cố và tăng cường. Chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu được xây dựng, ban hành bao trùm cả ba trụ cột gồm thích ứng, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và liên ngành.
Vị thế, vai trò của Việt Nam được tăng cường thông qua đàm phán quốc tế và khu vực. Từ đó hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng lên rõ rệt. Ước tính trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhận được khoảng trên 1,3 tỷ USD cho ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, một số mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu được triển khai, như mô hình nhà đa năng tránh bão, lũ; kè, kênh thủy lợi kết hợp đường giao thông nông thôn; mô hình xử lý nước mặn thành nước ngọt; trồng rừng ngập mặn ven biển, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn kết hợp giải pháp sinh kế cho người dân, đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và được sự đồng thuận, đánh giá cao của người dân và chính quyền địa phương.
Tiêu biểu như tỉnh Quảng Nam đã triển khai các dự án điểm nâng cấp công trình giao thông, thủy lợi nhằm ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt. Xây dựng các công trình công cộng đa năng kết hợp tránh trú bão, lũ, lụt do tác động biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tỉnh Bến Tre triển khai các dự án về mô hình cung cấp nước ngọt; nâng cấp, gia cố đê, kè ngăn mặn cục bộ; trồng và bảo vệ rừng; nâng cấp, gia cố hệ thống đường giao thông kết hợp phòng chống lụt bão; xây dựng nhà cộng đồng đa năng tránh trú bão. Còn tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng mới 226 trạm đo mưa tự động, góp phần hoàn thiện hệ thống cảnh báo thiên tai, lũ lụt gia tăng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Nhiệm vụ trọng tâm năm 2015
Năm 2015 là năm cuối của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015, để hoàn thành cơ bản mục tiêu của Chương trình đề ra, đồng thời từng bước hoàn thiện các mô hình điểm thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tạo tiền đề quan trọng trong việc triển khai đồng bộ Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương xây dựng kế hoạch, xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 để triển khai hiệu quả Chương trình này.
Cụ thể là cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam chi tiết đến từng địa phương, mở rộng khả năng đánh giá ảnh hưởng gắn với đặc trưng thủy triều, xâm nhập mặn…dự kiến công bố vào quý 4/2015 làm cơ sở cho các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.
Qua cập nhật các kế hoạch này, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu sẽ xác định một số nhiệm vụ trọng tâm theo từng giai đoạn và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện; tiến hành rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu.
Mặt khác các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện các mô hình thí điểm, từ đó tiến hành đánh giá, rút kinh nghiệm và xem xét khả năng nhân rộng trong gia đoạn tới đối với các địa phương có điều kiện tương tự. Chẳng hạn như mô hình nhà đa năng; kè, kênh thủy lợi kết hợp giao thông; xử lý nước mặn, trồng rừng ngập mặn…Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức và hành vi của cộng đồng về các thách thức cũng như cơ hội của biến đổi khí hậu. Trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cấp trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu cho biết: Thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ theo Thông báo 379 ngày 23/9/2014 về bố trí vốn cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, đã cho phép sử dụng 3.000 tỷ đồng từ vốn ODA thông qua Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu để đầu tư cho các dự án trong năm 2015.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp rà soát trình Thủ tướng Chính phủ phương án phân bổ vốn tập trung, nhằm hoàn thành dứt điểm 16 dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015. Trong đó ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án thuộc các địa phương khác có duy nhất một hạng mục chính hoặc có quy mô nhỏ.
Mặt khác triển khai gần 50 dự án trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển để từng bước tạo vành đai rừng chắn sóng, chống sạt lở, tăng cường khả năng hấp thụ khí CO2, bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái ven biển, tạo sinh kế bền vững và trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế.
Cũng trong năm nay các Bộ, ngành chức năng còn triển khai mở mới 10 dự án đê sông, đê biển xung yếu và nâng cấp hồ chứa ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng sống của người dân; phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực ven biển./.