Ngày 4/1, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương, Đoàn Thanh niên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) phối hợp tổ chức Tọa đàm: Xây dựng hình mẫu thanh niên thời kỳ mới hướng tới những phẩm chất của "công dân toàn cầu."
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi; các diễn giả, nhà nghiên cứu và đông đảo đoàn viên thanh niên đã tham dự tọa đàm.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ những suy nghĩ, kinh nghiệm và những kiến nghị với các cơ quan quản lý để nhằm tạo ra cơ chế và điều kiện tốt, qua đó xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới có phẩm chất của "công dân toàn cầu"; xác định một số tiêu chí, phẩm chất cần có của thanh niên Việt Nam để trở thành "công dân toàn cầu"; vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong việc tạo lập môi trường để thanh niên rèn luyện trở thành "công dân toàn cầu," góp phần giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ hội nhập quốc tế, cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong xây dựng lớp thanh niên thời kỳ mới.
Chia sẻ với các đại biểu thanh niên tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho rằng kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế có cả những mặt tích cực và mặt tiêu cực tác động đến kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa... của từng dân tộc, đất nước, người dân, trong đó đặc biệt là giới trẻ. Thanh niên Việt Nam ra ngoài thế giới phải có tư cách, phẩm chất, phải có hiểu biết, kiến thức, hành xử có văn hóa với bạn bè thế giới. Đặc biệt phải chú trọng tìm hiểu, học hỏi những tinh hoa của thế giới, đồng thời phải giữ gìn bản sắc của dân tộc.
Ông nhấn mạnh muốn hội nhập quốc tế, giới trẻ phải chú trọng hai yếu tố là "tử tế" và "tức khí." "Tức khí" theo ông chính là lòng tự ái dân tộc, là tinh thần vượt khó vươn lên. Đây chính là tinh thần đã thúc giục bao nhiêu lớp thanh niên Việt Nam xả thân vì đất nước suốt quá trình lịch sử. Việt Nam có nhiều lợi thế với lực lượng lao động đông đảo, phong phú về tài nguyên... nhưng nếu không có "tức khí" sẽ không thể hội nhập thành công, sánh vai cùng các quốc gia trên thế giới đồng thời muốn trở thành "công dân toàn cầu", trước hết phải trở thành công dân Việt Nam mẫu mực, tử tế, phải có tâm thế để hội nhập quốc tế.
Theo Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) Lê Quốc Minh, trở thành "công dân toàn cầu" là quá trình thay đổi tư duy, mở rộng kiến thức, kỹ năng của mỗi người dân trong quá trình hội nhập quốc tế, nhất là đối với giới trẻ. Nhà báo Lê Quốc Minh cho rằng báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, góp phần tuyên truyền, định hướng hình thành "công dân toàn cầu." Báo chí, truyền thông phải hướng đến ba yếu tố trong hội nhập quốc tế là "trách nhiệm," "chuyên nghiệp" và "sáng tạo" để mở rộng kiến thức, thay đổi tư duy cho người dân Việt Nam, cũng như để báo chí Việt Nam hội nhập với báo chí, truyền thông quốc tế.
Tham luận về những phẩm chất cần có của một "công dân toàn cầu," bạn Nguyễn Thị Kim Thanh, Đoàn Thanh niên Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, trước hết "công dân toàn cầu" phải có kiến thức, tư duy và tầm nhìn toàn cầu, phải hiểu biết về thế giới, thấy được đâu là những vấn đề của nhân loại, đâu là cơ hội, rủi ro. Phẩm chất thứ hai là phải có một tư duy và cái nhìn mở, chấp nhận, tôn trọng sự khác biệt trên thế giới. Thứ ba là phải cảm nhận và chia sẻ trách nhiệm với những vấn đề chung của toàn cầu. Bên cạnh đó, "công dân toàn cầu" phải có khả năng giao tiếp tốt, làm chủ được khoa học công nghệ để kết nối với thế giới.
Một yếu tố quan trọng nữa làm nên "công dân toàn cầu" là nền tảng tri thức và học thuật quốc tế. Muốn vậy, thanh niên phải trang bị một tri thức phong phú về nhiều lĩnh vực trong nước và nước ngoài. Hệ thống giáo dục của Việt Nam không nên chỉ chú trọng đào tạo về mặt lý thuyết mà phải tăng cường về mặt kỹ năng, ngoại ngữ để đáp ứng yêu cầu làm việc tại các công ty nước ngoài tại Việt Nam và trên thế giới. Giỏi ngoại ngữ không chỉ giúp thanh niên Việt Nam tự tin giao tiếp với bạn bè khắp năm châu, giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, mà còn đem lại nhiều cơ hội trong học tập và sự nghiệp.
Kết luận buổi tọa đàm, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho rằng, xây dựng hình mẫu người thanh niên Việt Nam thời kỳ mới là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hội nhập quốc tế, hướng tới "công dân toàn cầu". Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát động trong các cấp bộ Đoàn và tuổi trẻ cả nước Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới”. Hình mẫu người thanh niên Việt Nam thời kỳ mới hướng tới mục tiêu có "Tâm trong, Trí sáng, Hoài bão lớn". Trên cơ sở định hướng của Trung ương Đoàn, các cấp bộ đoàn cụ thể hóa các tiêu chí nền tảng thành các giá trị hình mẫu phù hợp với đặc điểm của địa phương, đơn vị, tính cách và tâm lý đặc thù của từng đối tượng thanh niên để vận động thanh niên phấn đấu rèn luyện, thực hiện theo.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương, tọa đàm này là dịp để xác định một số tiêu chí, phẩm chất cần có để thanh niên Việt Nam rèn luyện, phấn đấu trong hội nhập quốc tế; cũng như vai trò của tổ chức Đoàn, Hội trong việc tạo lập môi trường rèn luyện cho thanh niên. Tại tọa đàm, các đại biểu đã làm rõ nhiều tiêu chí, phẩm chất cần có của thanh niên Việt Nam trong hội nhập quốc tế như: phải có hiểu biết văn hóa trong và ngoài nước; nâng cao thể chất, sức khỏe; có trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm, hiểu biết pháp luật trong nước và quốc tế; tác phong làm việc chuyên nghiệp, hành xử văn hóa, văn minh; có nền tảng khoa học, công nghệ để kết nối với thế giới; có năng lực thực tiễn và kiến thức ở nhiều lĩnh vực; có tinh thần yêu nước, bản lĩnh hội nhập, khát vọng cống hiến...
Thời gian tới, Trung ương Đoàn sẽ xây dựng, thúc đẩy môi trường rèn luyện, định hướng cho thanh niên trong hội nhập quốc tế; tập trung nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật, rèn luyện các kỹ năng cho đoàn viên thanh niên; đồng thời các tổ chức Đoàn, Hội tăng cường mở rộng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức thanh niên quốc tế./.