“Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới hiện đã quá chậm, lẽ ra cuối năm 2013 đã phải khởi công” – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh khi báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân trong phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ngày 11/4 tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bộ chọn Đà Lạt
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ngay sau khi Việt Nam và Liên bang Nga ký Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (ngày 22/11/2011), Bộ đã giao cho Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam triển khai việc tìm kiếm và đánh giá địa điểm cho việc xây dựng lò phản ứng nghiên cứu mới- thành phần chính và quan trọng nhất của Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Từ đó, Bộ đã chọn được địa điểm thích hợp cho lò nghiên cứu mới là tiểu khu 151A, phường 12, thành phố Đà Lạt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã làm tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ và trong phiên họp Thường trực Chính phủ ngày 4/1/2013, Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ về địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới. Tuy nhiên, trong hơn một năm qua, việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân gặp nhiều khó khăn vì tỉnh Lâm Đồng không ủng hộ phương án địa điểm do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất.
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, địa điểm xây lò nghiên cứu mới được lựa chọn bởi có nhiều điều kiện thuận lợi khi chỉ cách trung tâm Đà Lạt khoảng 12km, gần với lò hạt nhân Đà Lạt hiện hữu để thuận tiện cho đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong và ngoài nước làm việc.
Địa điểm có quy mô hơn 100ha và có hồ nước với trữ lượng nước đủ dùng cho lò phản ứng, nằm cách ly với khu dân cư, cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông đầy đủ.
Lò nghiên cứu mới ở Đà Lạt cũng sẽ dễ dàng hỗ trợ cho dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận trong quá trình thi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành, cũng như các dự án sau này ở khu vực miền Trung. Mặt khác, địa điểm này trước đó cũng đã được dự định làm Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao.
Qua khảo sát, các chuyên gia Nga cũng cho rằng địa điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ lựa chọn đạt được hầu hết các tiêu chí để xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu công suất 10-20 MWt.
Tỉnh lo ảnh hưởng du lịch
Tuy nhiên, địa điểm xây lò nghiên cứu mới ở phường 12, Đà Lạt, không nhận được sự đồng tình từ lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, dù Lâm Đồng ủng hộ dự án đặt trên địa bàn tỉnh. Với lo ngại xây thêm lò hạt nhân mới sẽ ảnh hưởng đến môi trường du lịch của Đà Lạt và cuộc sống của người dân nơi đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ và đề xuất 5 địa điểm khác để thay thế.
Trong đó có hai địa điểm thuộc xã Tà Nung và xã Trạm Hành của Đà Lạt, 3 địa điểm thuộc các xã Đạ Nhim và Đạ Sar, huyện Lạc Dương; tất cả đều cách xa trung tâm Đà Lạt. Kết quả khảo sát và đánh giá ban đầu cho thấy trong 5 địa điểm do tỉnh đề xuất, có ưu thế hơn cả là địa điểm thuộc tiểu khu 120, xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, cách trung tâm Đà Lạt hơn 30 km.
Bảo lưu quan điểm của mình, tại các buổi làm việc với lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong suốt hai năm qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng luôn đề nghị cân nhắc lựa chọn địa điểm xây lò nghiên cứu mới nằm ngoài Đà Lạt.
Mới đây nhất, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh với lãnh đạo tỉnh (ngày 25/3), Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Đức Hòa tiếp tục kiến nghị Chính phủ xem xét việc đưa dự án lò nghiên cứu mới ra xa Đà Lạt và theo tỉnh là địa điểm tại Lạc Dương sẽ phù hợp.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, sự lo lắng của người dân và du khách là có thật bởi hai chữ “hạt nhân” vốn đã nhạy cảm, Đà Lạt đã có một lò phản ứng nay thêm một lò mới với quy mô lớn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch của thành phố ngàn hoa.
Chờ Chính phủ quyết
Lò phản ứng nghiên cứu mới là trọng tâm trong kế hoạch xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân (với 2 thành phần chính: phía Bắc tại Hà Nội và phía Nam tại Đà Lạt), sẽ đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực phục vụ chương trình điện hạt nhân, đồng thời thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu ứng dụng mang lại những lợi ích kinh tế- xã hội thiết thực. Vì vậy, việc lựa chọn địa điểm xây dựng lò nghiên cứu mới đòi hỏi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện để có thể phát huy tốt nhất năng lực hiện có của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam và phục vụ phát triển lâu dài.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, địa điểm do tỉnh Lâm Đồng đề xuất tại huyện Lạc Dương không phù hợp cho việc xây dựng lò nghiên cứu mới vì đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng lớn; không thể thu hút nguồn cán bộ giỏi; đánh mất vai trò hỗ trợ cho chương trình điện hạt nhân; không tạo ra hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ hỗ trợ hạt nhân tại Đà Lạt…
Bộ cũng khẳng định rằng, lo ngại của tỉnh về việc cơ sở nghiên cứu hạt nhân ảnh hưởng du lịch là không có cơ sở.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, sau nhiều thập kỷ phát triển của ngành hạt nhân trên thế giới, đối với lò nghiên cứu chưa bao giờ xảy ra sự cố ảnh hưởng đến con người và môi trường.
“Tại nhiều nước, lò hạt nhân nghiên cứu được xây dựng tại trung tâm thành phố hoặc trong khuôn viên của trường đại học. Lò nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt vận hành 30 năm qua an toàn là một ví dụ rõ ràng minh chứng cho tính an toàn của lò nghiên cứu”- báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh. Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng khẳng định trên thế giới chưa xảy ra sự cố nào đối với lò nghiên cứu.
Theo tiến sỹ Điền, qua khảo sát thực tế tại một số nước như Hàn Quốc, Đức, đều xây lò nghiên cứu ở trung tâm thành phố, trong đó lò nghiên cứu tại Daejon (Hàn Quốc) với công suất 30 MWt cũng nằm gần khu dân cư, trong khi dự kiến lò nghiên cứu mới ở Đà Lạt chỉ khoảng 15 MWt.
Việc cho đến nay chưa xác định được địa điểm xây lò nghiên cứu mới được nhìn nhận sẽ ảnh hưởng toàn bộ tiến trình thực hiện dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân. Đàm phán tài chính với phía Nga về kinh phí đầu tư dự án cũng chưa thể tiến hành vì chưa xác định địa điểm xây lò. Vốn vay từ Nga để thực hiện dự án là hơn 552 triệu USD, trong đó vốn chủ yếu dành cho phần dự án tại Đà Lạt với 499 triệu USD, còn lại tại Hà Nội khoảng 53 triệu USD.
Báo cáo giải trình trước Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Quân mong Quốc hội ủng hộ đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ vì địa điểm này có nhiều thuận lợi, không quá vướng giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến người dân và đỡ tốn kém đầu tư cho nhà nước.
Bộ trưởng cho biết tất cả sẽ chờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể./.