Xét tuyển đại học 2016: Phút chót không còn cảnh “vỡ trận” như 2015

Ghi nhận của phóng viên VietnamPlus cho thấy, ở các điểm tiếp nhận hồ sơ của các trường nhóm trên của Hà Nội khá thưa vắng sỹ tử, không còn cảnh thí sinh chen nhau trong những ngày cuối như kỳ xét tuy
Xét tuyển đại học 2016: Phút chót không còn cảnh “vỡ trận” như 2015 ảnh 1Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh không còn phải xếp hàng chờ lượt. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Chỉ còn một ngày nữa sẽ hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng một vào các trường đại học năm 2016. Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên VietnamPlus cho thấy, ở các điểm tiếp nhận hồ sơ của các trường nhóm trên của Hà Nội khá thưa vắng sỹ tử, không còn cảnh thí sinh chen nhau trong những ngày cuối như kỳ xét tuyển nguyện vọng một năm 2015.

Nộp muộn vì… chọn ngày đẹp

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội sáng nay, 11/8, chỉ có khoảng hơn 100 thí sinh đến làm thủ tục xét tuyển trong khi những ngày trước, con số này lớn hơn gấp nhiều lần. 

Thí sinh không còn phải xếp hàng lấy số và chờ đến lượt như cách đây vài ngày.

Theo các cán bộ tuyển sinh, lượng thí sinh càng ngày càng giảm trong những ngày cuối. Tổng số hồ sơ nộp trực tiếp tại điểm thi tính đến sáng nay là gần 8.000 bộ.

“Nếu tính cả số hồ sơ nộp online và qua đường bưu điện thì chắc chắn số lượng còn lớn hơn rất nhiều,” vị cán bộ này cho biết.

Theo các thí sinh đến làm thủ tục sáng nay, lý do các em nộp hồ sơ muộn là do còn đắn đo, cân nhắc giữa các trường. Em Tô Quang Đức, quê Nam Định, cho biết: “Em thi được 24,5 điểm và thích trường Học viện Hậu cần, nhưng chỉ sợ trường đó đã đủ hồ sơ rồi nên hôm nay em mới quyết định nộp vào Đại học Bách khoa, ngành Điện- Điện tử.”

Tương tự, thí sinh Nguyễn Ngọc Hoan, ở thành phố Thái Nguyên, cũng cho biết, em phân vân giữa nhiều lựa chọn nên đến gần cuối mới đưa ra được quyết định. “Em suy nghĩ nhiều và tham khảo ý kiến gia đình. Hôm nay em mới đi nộp hồ sơ vào Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghiệp Hà Nội, đều ngành Cơ điện tử.” Hoan chia sẻ.

Cũng có mặt ở Đại học Bách khoa Hà Nội sáng nay để làm thủ tục xét tuyển cho con trai, chị Lê Thị Mai (Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, dù thích ngành ô tô, cơ khí chế tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng con chị vẫn chưa nộp hồ sơ nay vì còn… nghe ngóng.

“Cháu được 23,55 điểm, ở mức không cao lắm so với điểm chuẩn đầu vào của trường năm ngoái nên gia đình cũng rất băn khoăn,” chị Mai nói.

Cũng theo chị Mai, trước khi quyết định nộp hồ sơ, chị và con đã đến trường để nghe các thầy cô tư vấn rất nhiều.

Tại Đại học Kinh tế quốc dân không khí xét tuyển cũng rất vắng vẻ. Em Dương Thái Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết dù ở ngay Thủ đô nhưng hôm nay em mới đi nộp hồ sơ vì… chọn ngày đẹp. “Bố mẹ em đi xem ngày cẩn thận, ngày đẹp mới cho em đi nộp hồ sơ,” Linh chia sẻ. Cô học trò này cũng tỏ ra khá thoải mái khi cho biết em đã đỗ vào Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng vẫn muốn thử sức với kỳ xét tuyển vào Đại học Kinh tế Quốc dân.

Xét tuyển đại học 2016: Phút chót không còn cảnh “vỡ trận” như 2015 ảnh 2Không khí vắng vẻ tại Đại học Kinh tế Quốc dân sáng 11/8. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Phương thức xét tuyển đã hợp lý hơn

Theo lãnh đạo các trường, việc thí sinh không còn dồn vào ngày xét tuyển cuối do cách thức tuyển sinh năm nay đã có những thay đổi tích cực so với năm 2015.

Cụ thể, năm 2015, Bộ quy định cho thí sinh được phép rút hồ sơ. Thông tin của các thí sinh xét tuyển vào các trường cũng liên tục được cập nhật theo ngày, thậm chí theo giờ (trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nguyện vọng một), thí sinh có thể biết được thứ tự của mình ở vị trí thứ bao nhiêu, có nằm trong số chỉ tiêu xét tuyển của trường hay không.

Vì thế, rất nhiều em dù điểm cao nhưng vẫn “găm” hồ sơ để nghe ngóng, đợi đến những ngày cuối mới quyết định nộp. Điều này làm cho nhiều thí sinh tưởng nằm trong vòng an toàn đến phút cuối lại bị bật ra khỏi danh sách trúng tuyển. Để tăng cơ hội đỗ, các em buộc phải rút hồ sơ ở trường điểm cao đển nộp sang các trường khác, dẫn đến khung cảnh hỗn loạn ở các trường đại học nhóm trên.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm này, năm nay, Bộ không cho phép các thí sinh được rút hồ sơ. Bộ cũng khuyến cáo các trường không nên công bố về số lượng hồ sơ đã nhận để tránh gây tâm lý hoang mang cho thí sinh.

Không có cơ sở để so sánh, nghe ngóng, không được rút hồ sơ, thí sinh buộc phải cân nhắc kỹ hơn trong chọn trường, chọn ngành và có quyết định ngay từ đầu.

Ghi nhận chung của phóng viên tại các điểm thu nhận hồ sơ cho thấy, trong suốt đợt xét tuyển nguyện vọng một, từ ngày 1/8 đến nay, lượng thí sinh đến khá dàn trải, không tập trung quá đông ở một thời điểm.

Các trường cũng có kinh nghiệm hơn trong việc tư vấn tuyển sinh nên thủ tục nhanh gọn, thời gian tiếp nhận hồ sơ nhanh chóng, không gây ùn tắc quá nhiều.

“Tôi cho rằng những thay đổi năm nay của Bộ là rất hợp lý, vừa giảm áp lực cho thí sinh, vừa giảm áp lực cho chính các trường,” ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Thủy lợi, chia sẻ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường sẽ tiếp nhận hồ sơ của thí sinh đến hết ngày mai, 12/8./.

Không khí vắng vẻ trong những ngày cuối nhận hồ sơ xét tuyển đợt một tại Đại học Kinh tế Quốc dân.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục