Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 12 giờ ngày 17/8, tổng số có 940.714 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học năm 2022; trong đó, 574.416 thí sinh đã nhập nguyện vọng. Tổng số có 2.690.335 nguyện vọng. Số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 4,68.
Như vậy, đến thời điểm này, chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng vẫn còn gần 40% thí sinh chưa đăng ký.
Để tránh những rủi ro không đáng có, các chuyên gia khuyến cáo thí sinh không nên để đến ngày cuối cùng (20/8) mới đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý sau 17 giờ ngày 20/8, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo.
Khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Bên cạnh đó, năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức thu lệ phí xét tuyển trực tuyến. Để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có), thí sinh không để đến sát thời gian hết hạn mới thực hiện nộp lệ phí.
Thời gian nộp lệ phí đối với các nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông để xét tuyển là từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8.
Từ phía các cơ sở đào tạo, dự báo điểm chuẩn năm nay, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học, Quốc gia Hà Nội cho biết điểm chuẩn vào một số ngành của các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội năm nay sẽ tăng.
Bởi số lượng thí sinh tham gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm nay không biến động nhiều so với năm 2021, tuy nhiên phổ điểm có một số điều chỉnh. Năm nay vẫn có nhiều thí sinh đạt trên 8 điểm và phổ điểm không biến động nhiều so với năm trước.
Tuy nhiên, tổ hợp nào có môn Sử, điểm chuẩn sẽ tăng nhiều, tổ hợp có môn tiếng Anh thấp hơn.
[Những điểm đặc biệt lưu ý khi xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022]
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội có tỷ lệ xét tuyển thẳng cao và tăng tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực. Vì vậy, tỷ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông sẽ thấp hơn năm ngoái.
Dành lời khuyên cho các thí sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội bằng điểm thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng các thí sinh nên lấy điểm chuẩn của năm 2021 cộng thêm 0,5-1 điểm sẽ ra điểm ở ngưỡng an toàn để cân nhắc đăng ký xét tuyển.
Dự đoán điểm chuẩn ngành "hot" thậm chí có thể tăng từ 1-2 điểm. Các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn cơ bản có phổ điểm cao, khối Khoa học Tự nhiên sẽ giữ ổn định so với năm 2021.
Với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm 2022, trường giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Mặc dù, số điểm 10 ở môn Toán và Tiếng Anh giảm nhưng chỉ tiêu của trường cũng giảm, do đó, khả năng điểm chuẩn các ngành “hot” như nhóm ngành tự động hóa, công nghệ thông tin sẽ ổn định như năm trước.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, điểm chuẩn của trường năm 2021 đã tương đối cao, các ngành thấp nhất có điểm chuẩn là 26,8 (trung bình mỗi môn trên 9 điểm), ngành cao nhất lấy 28,3 điểm. Vì vậy, dự báo điểm chuẩn năm 2022 sẽ không cao hơn năm 2021 quá nhiều.
Hiện là thời điểm “nước rút” để các thí sinh cân nhắc, đưa ra quyết định đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học.
Do vậy, các thí sinh sau khi nghiên cứu kỹ điểm chuẩn của từng ngành, từng trường năm 2021 và dựa vào dự báo của các chuyên gia, các cơ sở đào tạo, cần nhanh chóng thực hiện đăng ký trên hệ thống, tránh lỡ mất cơ hội trúng tuyển vào đại học năm nay./.