Ngày 31/1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức họp báo về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các tòa án trong năm 2017, phương hướng năm 2018.
Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình chủ trì cuộc họp báo.
Các phiên tòa "đại án" được tiến hành nghiêm minh
Theo báo cáo, từ ngày 1/10/2016 đến 30/9/2017, các tòa án đã giải quyết được 438.625 vụ việc, trong tổng số 491.384 vụ việc đã thụ lý (đạt 89,3%).
Số vụ việc hiện đang tạm đình chỉ giải quyết là 9.622 vụ, số vụ việc còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết.
Trong đó, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng và những vụ án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Điển hình như vụ án “buôn lậu” và “làm giả con dấu” xảy ra tại Công ty Cổ phần Vn Pharma; vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; vụ án “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (Oceanbank); vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê và 44 bị cáo bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm…
Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, hiện Tòa án nhân dân Tối cáo đã có danh sách tất cả các Hội đồng xét xử đại án và có đánh giá kiểm tra năng lực từng hội đồng. Các thẩm phán tham gia đều có kinh nghiệm điều hành và phẩm chất tốt.
Tòa yêu cầu các thẩm phán chủ động phối hợp với Viện Kiểm sát nghiên cứu hồ sơ độc lập theo đúng quy định của luật; yêu cầu các Hội đồng xét xử nghiên cứu thật kỹ, lưu ý các điểm mới về quá trình tố tụng.
Theo Tòa án nhân dân Tối cao, quá trình xét xử các vụ án này, các tòa án đã không hạn chế thời gian tranh tụng; thay đổi biện pháp ngăn chặn khi tạm giam đã quá dài hoặc không cần thiết; khởi tố, bắt tạm giam bị cáo khi đủ điều kiện hoặc có dấu hiệu lọt người, lọt tội; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung khi thiếu chứng cứ; kiến nghị để khắc phục các sai sót cả về tố tụng và cả trong hoạt động quản lý kinh tế, quản lý cán bộ.
Tiếp đến là hình phạt mà các tòa án áp dụng đối với các bị cáo bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa chung, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, được dư luận đồng tình ủng hộ.
Nhiều điểm mới đã được áp dụng trong các phiên tòa
Trong thời gian qua, nhiều quy định mới cả về nội dung và hình thức như: quy định về Kiểm sát viên kiểm sát điều tra sẽ giữ quyền công tố tại phiên tòa; triệu tập cán bộ điều tra tới tòa án; áp dụng mô hình phòng xét xử mới cũng như các nguyên tắc tố tụng tiến bộ được pháp luật ghi nhận và được thể hiện ngay qua các phiên tòa xét xử các đại án…
Việc áp dụng trang phục (áo choàng) cho các thẩm phán và mô hình phòng xét xử mới đã cơ bản được áp dụng rộng khắp.
Cụ thể, phòng xét xử, tại các phiên tòa đã bỏ vành móng ngựa và thay vào đó là bục khai báo; chỗ ngồi của Kiểm sát viên, luật sư ngang bằng nhau và ngồi trước Hội đồng xét xử; có sự ngăn cách giữa những người tham dự phiên tòa với những người tham gia tố tụng; có khu dành riêng cho truyền thông, báo chí và ở một số tòa án tỉnh, thành phố trung ương đã triển khai phòng “xử án thân thiện” đối với các vụ án hôn nhân gia đình và người chưa thành niên.
Về đổi mới trong nội dung, hoạt động xét xử lấy tranh tụng tại phiên tòa làm trọng tâm, không giới hạn thời gian tranh tụng. Thực hiện các bộ luật mới hiện nay, tòa án đã triệu tập cả Điều tra viên khi cần thiết và tới đây có thể là Kiểm sát viên cũng như Thẩm phán…
Đề xuất không tổ chức phiên tòa lưu động
Tại cuộc họp báo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, tháng 7/2018, Tòa án nhân dân Tối cao sẽ có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất không tổ chức phiên tòa lưu động theo thông lệ quốc tế.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, trước đây phiên tòa lưu động có tác dụng giáo dục pháp luật cho nhân dân và phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, công nghệ thông tin và truyền thông báo chí đã khiến tác dụng này giảm dần.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Tòa án đã triển khai việc công khai bản án trên mạng, người dân có thể dễ dàng tiếp cận vụ án, có tác dụng tuyên truyền pháp luật. Hiện nay, việc tổ chức phiên tòa lưu động có nhiều hạn chế, chính vì vậy cần cân nhắc lại hiệu quả của phiên tòa lưu động.
"Thứ nhất là tốn kém. Mỗi năm ngân sách của ngành tòa án phải chi ra 70 tỷ đồng cho việc tổ chức các phiên tòa lưu động, chưa kể ngân sách các địa phương hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc tổ chức bảo vệ cho các bị can, bị hại, người làm chứng ở những nơi xét xử lưu động như hội trường, nhà văn hóa, siêu thị, chợ đông người,… hết sức khó khăn. Hơn nữa, mỗi phiên tòa cần đảm bảo quyền con người, đây là nguyên tắc hiến định. Một bị cáo chưa có bản án có hiệu lực chưa phải tội phạm. Việc mang xét xử lưu động sẽ gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm của bị cáo, đặc biệt là người thân, gia đình của họ. Như vậy, vô hình chung đã tạo ra cho xã hội hậu quả, mâu thuẫn đáng tiếc” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích./.